Rủi ro dài hạn của thị trường chứng khoán vẫn ở mức thấp
Thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục điều chỉnh, dòng tiền càng trở nên thận trọng. Thanh khoản nhiều phiên gần đây chỉ còn hơn 10.000 tỷ đồng, bằng một nửa mức trung bình giai đoạn đầu năm. Các chuyên gia cho rằng một phần là do ảnh hưởng từ trận bão lũ lịch sử ở miền Bắc.
Tác động ngắn hạn từ bão Yagi tăng cao
Theo đó, một yếu tố đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm là bão Yagi và hoàn lưu sau bão có tác động đến TTCK ra sao, và nếu có thì mức độ tác động sẽ kéo dài bao lâu.
Hiện nay, nhiều nơi đã công bố thiệt hại ban đầu do bão lên tới vài chục nghìn tỷ đồng. Dù chưa đánh giá đầy đủ nhưng rõ ràng thiệt hại kinh tế không nhỏ.
Hơn nữa, những tin tức liên quan đến thiệt hại do cơn bão gây ra có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư bớt chú ý vào thị trường.
Chuyên gia cho rằng rủi ro ngắn hạn cho TTCK đang tăng cao. |
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng Phân tích chiến lược, Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng tác động từ bão lũ đến TTCK sẽ trong ngắn hạn, và tới mỗi ngành nghề khác nhau.
Chẳng hạn như nhiều nhóm cổ phiếu vừa qua tăng giá tốt như sắt thép với nhu cầu đột biến về sửa chữa nhà cửa hạ tầng sau bão, hay ngược lại - nhóm bảo hiểm, phản ứng tiêu cực.
Chuyên gia KIS cho biết cần có thêm thời gian đánh giá những tác động tiêu cực hay tích cực đến từng nhóm ngành cũng như từng doanh nghiệp.
Mặt khác, trạng thái thanh khoản kém cũng đến từ câu chuyện bán ròng của khối ngoại. Vấn đề này không mới nhưng vẫn "đè" lên tâm lý thị trường.
Tương tự, ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu và đầu tư FIDT nhận định, trong ngắn hạn vẫn có rủi ro về thanh khoản thị trường, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng. Biến động trên TTCK có tính phân hóa rất cao.
Dưới góc độ tích cực, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng nhà đầu tư đang có tâm lý lo ngại bão lũ sẽ ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế, song tác động là không lớn. Theo ông, kịch bản hiện tại là thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực, vùng 1.250 điểm là vùng cân bằng và nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào nếu tỷ trọng tiền mặt cao, thay vì bán tháo.
“Việc điều chỉnh ở thời điểm hiện tại chưa ảnh hưởng lên xu hướng tăng dài hạn của VN-Index trong khi có sự phân hóa rõ rệt”, ông Minh nhấn mạnh.
Triển vọng dài hạn vẫn tích cực
Cũng theo ông Minh, nền kinh tế trong nước đang tiếp tục quá trình hồi phục nhờ sức tiêu dùng mạnh, xuất khẩu tăng trưởng trở lại và dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Các chỉ báo sản xuất cũng tăng trưởng tích cực.
Về TTCK, chỉ số VN-Index tiếp tục biến động trong biên độ 1.200 – 1.300 điểm và thị trường đã đi ngang trong biên độ này trong suốt 7 tháng qua. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn và nếu chỉ số VN-Index vượt mức 1.300 điểm thì xu hướng dài hạn có thể rõ ràng hơn.
Theo mô hình giá, chuyên gia Yuanta cho rằng thị trường vẫn đang ở giai đoạn sóng tăng 3 với chu kỳ sóng được hình thành từ cuối năm 2022 (đây là dự báo xuyên suốt trong xu hướng dài hạn của nhóm phân tích trong thời gian qua).
Nhìn trong bối cảnh hiện tại, đội ngũ phân tích đánh giá rủi ro dài hạn vẫn ở mức thấp. Fed có khả năng sẽ giảm lãi suất trong tháng 9, cùng với đó là tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt là điều kiện để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Đồng thời, động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều, mặc dù chậm do tác động từ đà hồi phục chậm của các nước lớn và ảnh hưởng từ thiên tai, nhưng kinh tế đang ở chu kỳ hồi phục.
“Mặc dù cơn bão Yagi có thể sẽ ảnh hưởng đến một phần dự phóng cho năm 2024, nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều, và P/E dự phóng 2024 đang dưới mức 12,x cho thấy mức định giá hiện nay vẫn thấp”, ông Minh nói.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Minh Tuấn cho biết vẫn tiếp tục giữ quan điểm tích cực đối với triển vọng TTCK trung hạn, khi thấy rằng điều kiện đầu tư đã gần như không còn các rủi ro quá lớn, cùng với triển vọng tích cực đến từ tăng trưởng kinh tế.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Chứng khoán VNDIRECT cũng vẫn giữ quan điểm tích cực đối với triển vọng của TTCK Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ một số yếu tố hỗ trợ.
Trước hết là việc Fed dự kiến hạ lãi suất điều hành khoảng 0,75% trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá và lạm phát hạ nhiệt giúp NHNN có điều kiện để chuyển hướng mục tiêu sang ưu tiên tăng trưởng kinh tế, gia tăng cung tiền và duy trì mặt bằng lãi suất ở vùng thấp.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạng thị trường. Đồng thời, kinh nghiệm quá khứ cho thấy “đỉnh thị trường luôn xuất hiện trong giai đoạn giao dịch sôi động và đáy thị trường hình thành khi thanh khoản thị trường trầm lắng”, ông Hinh cho hay.
Ông Hinh nhận xét VN-Index đang ở trong giai đoạn tích lũy cho sóng tăng cuối năm và nhà đầu tư nên tận dụng gia đoạn này để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu quanh vùng hỗ trợ 1.250 điểm của VN-Index, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn