Rung lắc do chốt lời, cổ phiếu ngân hàng giữ nhịp ổn định

Thị trường sẵn sàng tâm lý đón nhận lượng cổ phiếu lớn xả ra trong phiên chiều nay, nhưng bất ngờ là thanh khoản thậm chí còn giảm gần 14% so với buổi sáng. Dù vẫn xuất hiện những nhịp lùi, nhưng xu hướng chính của thị trường phiên chiều là phục hồi. VN-Index chốt phiên tăng 0,48% so với tham chiếu, không thấp hơn mức đỉnh đầu phiên quá nhiều (+0,68%).

Đóng vai trò giữ nhịp quan trọng trong phiên chiều nay vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy độ phân hóa tăng giảm là khá rõ, nhưng về cơ bản các cổ phiếu ngân hàng lớn vẫn tăng giá. Đại đa số các mã nhóm này trong rổ VN30 đều có cải thiện tốt so với phiên sáng.

Dẫn đầu là BID, trụ lớn thứ hai trong chỉ số VN-Index. BID chốt phiên sáng tăng 1,12%, chiều nay “bốc” thêm 3,11% nữa và đóng cửa tăng tổng cộng 4,27%. Kế đến là TCB, chiều nay tăng thêm 1,49% nữa và chốt tăng 2,71% so với tham chiếu. SHB xếp thứ 3 với mức tăng chung cuộc 1,3% và riêng chiều nay tăng thêm 1,3%. Những cổ phiếu còn lại như MBB, CTG, HDB, VCB, VIB cũng mạnh hơn buổi sáng. Duy nhất ACB và SSB là tụt giá, trong đó SSB giảm tới 1,27% so với mức tham chiếu trụ được phiên sáng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đại diện cho các mã đang trong đà tăng phi mã và dễ bị xả nhất. BID chẳng hạn, chỉ từ đầu năm 2024 đến nay tăng 7,9% và kể từ đáy tháng 11 năm ngoái tăng 30,7%. TCB đã tăng 7,2% trong 5 phiên gần nhất và từ đáy cuối tháng 11 năm ngoái tăng 16,4%.... Các mã này đều có lực xả lớn trong phiên hôm nay và nhiều lần lùi giá, nhưng cuối cùng bên mua vẫn chiến thắng và giá đóng sát mức cao nhất ngày. Điều đó cho thấy lực cầu vào hấp thụ lượng hàng chốt lời ngắn hạn rất tốt.

BID, VCB, TCB, CTG, MBB là các cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 lọt vào Top 10 mã kéo điểm số tích cực nhất hôm nay. Có 10 cổ phiếu trong nhóm ngân hàng vẫn đỏ, nhưng hầu như không có blue-chips. SGB, SSB, NVB, KLB là các mã giảm sâu nhất nhưng sức ép lên VN-Index cũng không nhiều.

Dù vậy mức tăng của một số cổ phiếu ngân hàng cũng chỉ đủ giữ nhịp cho thị trường chung, không thể kích thích đà tăng rõ rệt. Nguyên nhân là sự đối trọng của các mã giảm trong nhóm trụ, cũng như mức tăng tốt ở nhóm ngân hàng chỉ dồn vào vài mã lớn như BID, TCB, CTG. Ngay cả VCB cũng chỉ tăng nhẹ 0,7%, VPB tăng 0,26%. Nhóm trụ giảm có GAS giảm 0,52%, VNM giảm 0,87%, MSN giảm 1,91%. VHM, VIC, HPG thuộc nhóm tăng nhưng cũng quá yếu.

Rung lắc do chốt lời, cổ phiếu ngân hàng giữ nhịp ổn định - Ảnh 1

Dù vậy nếu nhìn từ góc độ một phiên hàng “khủng” về tài khoản và có nguy cơ bị chốt lời thì khả năng giữ nhịp phục hồi chiều nay lại khá ổn định. Thị trường có thêm một nhịp trượt ngắn kéo dài tới khoảng 1h34, chỉ số tăng chưa đầy 1 điểm. Tuy nhiên tại đáy đáy này độ rộng VN-Index vẫn khá cân bằng với 237 mã tăng/249 mã giảm. Đến cuối phiên nhiều mã hồi tốt hơn, độ rộng ghi nhận 273 mã tăng/234 mã giảm.

Đi kèm với nhịp phục hồi trong nửa sau phiên chiều là mức thanh khoản khá chậm. Bất ngờ là giao dịch chiều nay trên hai sàn niêm yết giảm 14% so với phiên sáng, đạt 8.711 tỷ đồng. HoSE giảm khoảng 11% đạt 8.066 tỷ đồng. Như vậy áp lực chốt lời có tín hiệu khá nhẹ, không giống với lo ngại của 1,25 tỷ cổ phiếu về tài khoản.

Vẫn có một số cổ phiếu chịu sức ép lớn và giảm rõ rệt trên nền thanh khoản khá lớn. MWG phiên này bốc hơi 1,48% với giao dịch 271,2 tỷ đồng; DBC giảm 2,21% với 260,5 tỷ; DGC giảm 1,47% với 243 tỷ; HAG giảm 1,91% với 205,1 tỷ… Tuy nhiên trong tổng số 234 mã đỏ của VN-Index, chỉ có 55 mã giảm trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm 11,7% tổng khớp của sàn. Phía tăng không áp đảo về số lượng (78 mã tăng trên 1%) nhưng thanh khoản tập trung tới 33,4% sàn. Nguyên nhân là dòng tiền vào đỡ vùng giá xanh ở những cổ phiếu mạnh chấp nhận hấp thụ hàng bán ra giá cao, đẩy thanh khoản lên mạnh. Loạt mã nằm trong nhóm thanh khoản hàng đầu thị trường là DIG tăng 2,21%, CII tăng 6,73%, PDR tăng 1,99%, SHB tăng 1,3%, DXG tăng 1,8%, NVL tăng 2,67%, CTG tăng 1,9%, EVF tăng 5,26%...

Nhà đầu tư nước ngoài phiên chiều cũng bán ra nhiều hơn, mức ròng trên HoSE khoảng 251,6 tỷ đồng. Phiên sáng khối này mua ròng nhẹ 2,3 tỷ. Tuy nhiên giao dịch vẫn chủ yếu là ở FUEVFVND -181,5 tỷ. Một số mã khác bị rút mạnh là MSN -58,8 tỷ, KBC -52,5 tỷ, DBC -40,6 tỷ, DGC -35,5 tỷ, VNM -35 tỷ, VHM -29,2 tỷ…

Xem thêm tại vneconomy.vn