Sá xị Chương Dương nguy cơ bị hủy niêm yết do lỗ nặng
Trong BCTC quý IV/2023 mới công bố, SCD ghi nhận doanh thu 39,4 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước, lỗ sau thuế 45,7 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần khoản lỗ cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế năm 2023, SCD ghi nhận doanh thu 126 tỷ đồng, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp này lỗ 119 tỷ đồng, gấp gần 3 lần con số 49 tỷ đồng năm 2022. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp công ty này báo lỗ và cũng là khoản lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết.
Kết quả này khiến cổ phiếu SCD vào diện bị kiểm soát của Sở Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX).
Theo đó, trong thông báo phát đi ngày 22/1, HSX đưa ra cảnh báo về việc cổ phiếu SCD của Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
HSX cho biết, theo quy định, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo.
Trước đó, cổ phiếu SCD đã vào diện kiểm soát theo Quyết định số 149/QĐ-SGDHCM ngày 4/4/2023 của HSX, do hai năm 2021 và 2022 liên tiếp ghi nhận khoản lỗ 35,59 tỷ đồng và 48,68 tỷ đồng.
Trong báo cáo giải trình, ban lãnh đạo công ty cho biết, hoạt động kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào cao cộng với điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn, nhu cầu thấp hơn dự kiến đi kèm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào từ đường tinh luyện, lon nhôm đều tăng cao. Đồng thời, chi phí thuê đất tăng cũng như các chi phí hoạt động thuê dịch vụ bên ngoài cao đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.
CTCP Nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I (Pháp). Đây là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn trước năm 1975. Giữa năm 1977, Tập đoàn B.G.I chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho nhà nước với tên gọi Nhà máy nước ngọt Chương Dương.
Năm 2004, Chương Dương chính thức cổ phần hoá. Đến năm 2006, công ty này chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán, với mã SCD.
Hiện tại, Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đang nắm 62,06% cổ phần CTCP Nước giải khát Chương Dương.
Xem thêm tại nhadautu.vn