Sabeco báo lãi ròng ‘bốc hơi’ gần 22% trong quý đầu năm 2025
Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, MCK: SAB, sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 với doanh thu thuần đạt hơn 5.810,7 tỷ đồng, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 243,1 tỷ đồng, giảm 12,8% so với cùng kỳ. Ngược lại, chi phí tài chính tăng gấp 10,6 lần, ở mức 91,1 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí bán hàng ghi nhận giảm nhẹ 5,1% so với cùng kỳ, xuống còn 798,8 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18,6%, lên mức gần 247,3 tỷ đồng.
Sau khấu trừ các khoản thuế phí, doanh nghiệp báo lãi ròng hơn 799,6 tỷ đồng, giảm 21,9% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa
Như vậy, cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Sabeco trong quý I/2025 đều “đi lùi” so với cùng kỳ năm 2024.
Theo giải trình của Sabeco, doanh thu thuần thấp hơn cùng kỳ phù hợp với sự sụt giảm sản lượng do cạnh tranh gia tăng và tác động của Nghị định 168. Ngoài ra, doanh thu thuần còn bị ảnh hưởng bởi việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Tập đoàn Bia Bình Tây kể từ ngày 3/1/2025 khi được hợp nhất như một công ty con, thay vì là công ty liên kết như trong năm 2024.
Kết quả kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng từ việc thu nhập lãi tiền gửi giảm và chi phí tài chính tăng phát sinh từ thương vụ mua lại Tập đoàn Bia Bình Tây, cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, mặc dù được bù đắp một phần bởi lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết cao hơn và chi phí bán hàng giảm.
Năm 2025, Sabeco lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần dự kiến đạt 31.641 tỷ đồng, giảm 1% so với doanh thu đã thực hiện trong năm 2024; lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.835 tỷ đồng, tăng 8%.
Như vậy, kết thúc quý I/2025, Sabeco đã hoàn thành 18,4% kế hoạch doanh thu thuần và 16,5% kế hoạch lợi nhuận sau thuế đã đề ra.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Sabeco giảm nhẹ 5,4% so với đầu năm, xuống còn gần 31.618,8 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp ghi nhận khoản tiền gửi ngân hàng có thời trên 3 tháng và dưới 1 năm lên đến gần 16.264 tỷ đồng, chiếm 51,4% tổng tài sản.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp đang ở mức hơn 6.012,7 tỷ đồng, giảm 33,2% so với đầu năm. Trong đó, khoản thuế phải nộp Nhà nước gần 1.476,7 tỷ đồng, chiếm 24,6% tổng nợ; vay ngắn hạn hơn 481,7 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn hơn 169 tỷ đồng.
Khánh Hân
Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn