Sabeco đề xuất bỏ quy định ‘không cho phép có nồng độ cồn khi lái xe’, chỉ thiết lập giới hạn ở một mức hợp lý

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB) cho biết đang làm việc với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam để kiến nghị Chính phủ thiết lập một giới hạn nồng độ cồn trong máu (BAC) hợp lý, thay vì quy định hiện hành là không cho phép có nồng độ cồn khi lái xe.

Song song, SAB cùng các công ty trong ngành cũng đang nỗ lực đề xuất việc hoãn lại kế hoạch tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân, ghi nhận tại báo cáo phân tích mới đây từ VPBankS. 

Đây là thông tin đáng chú ý khi quy định hiện hành về nồng độ cồn đã và đang gây áp lực lên tình hình kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp (DN) bia Việt Nam.

Người Việt uống 170 lít bia/năm, đứng thứ 2 Đông Nam Á về tiêu thụ bia

Tổng sản lượng sản xuất bia tăng trưởng đều quá các năm với CAGR đạt 8,6%/năm trong giai đoạn 2009-2019, tuy nhiên đã sụt giảm mạnh trong năm 2020-2021 với tỷ lệ tăng trưởng âm lần lượt -15% và -10,6% do ảnh hưởng từ Covid-19.

Theo Kirin Holdings, Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về lượng bia tiêu thụ với hơn 4 tỷ lít trong năm 2020, chiếm 2,2% toàn cầu. Trong khu vực, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người, với mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi) mỗi năm tại Việt Nam là 8,3 lít, tương đương 1 người uống 170 lít bia/năm.

Sang năm 2022, sau khi đã mở cửa nền kinh tế, sản lượng sản xuất bia đã tăng trưởng mạnh trở lại đến 26,4% do nhu cầu giải trí của người dân tăng mạnh sau dịch. Tuy nhiên, thị trường bia đã bị ảnh hưởng mạnh từ năm 2023 cho đến hiện tại sau khi chính phủ quyế định thực hiện nghiêm túc nghị định 100/2019/NĐ-CP ban hành vào ngày 30/12/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính giao thông.

Sabeco đề xuất bỏ quy định ‘không cho phép có nồng độ cồn khi lái xe’, chỉ thiết lập giới hạn ở một mức hợp lý- Ảnh 1.

Ảnh: Tiêu thụ bia Việt Nam, VPBankS.

Riêng SAB, trong năm 2023, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần 30.461 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước và xuống còn thấp hơn cả năm 2016 do "cú đấm nộng đồ cồn". Lợi nhuận năm qua của SAB cũng không mấy khả quan. Mặc dù vẫn duy trì được mốc trên 4.000 tỷ đồng, nhưng con số này cũng thấp hơn hồi 2016, và giảm 23% nếu so với năm 2022.

SAB nỗ lực vượt qua "cú đấm" của thổi nồng độ cồn

Dù vậy, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 mới đây, đại diện SAB vẫn khẳng định đồng tình với quy định nồng độ cồn của Chính phủ. Và Công ty cho biết dù đối mặt với nhiều khó khăn, SAB vẫn sẽ nỗ lực kinh doanh, lạc quan với thử thách như việc "nhảy trong mưa".

Năm nay, SAB lên kế hoạch doanh thu 34.397 tỷ đồng – tăng 13% và lợi nhuận 4.580 tỷ đồng - tăng 7,6% so với năm 2023. Mặc dù có những khó khăn, nhưng SAB vẫn cho rằng năm 2024 tiếp tục mang đến các cơ hội 'vàng' cho ngành bia Việt Nam bởi 3 lý do, cụ thể:

Thứ nhất, cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh.

Thứ hai, tiềm năng lớn của phân khúc 'bia không cồn'.

Thứ ba, tiềm năng về thị trường xuất khẩu.

Sabeco đề xuất bỏ quy định ‘không cho phép có nồng độ cồn khi lái xe’, chỉ thiết lập giới hạn ở một mức hợp lý- Ảnh 2.

Sabeco đề xuất bỏ quy định ‘không cho phép có nồng độ cồn khi lái xe’, chỉ thiết lập giới hạn ở một mức hợp lý- Ảnh 3.

Ảnh: Tình hình kinh doanh của SAB.

Tại đây, SAB cũng không ngần ngại tuyên bố không muốn chia sẻ mà muốn chiếm lĩnh thị phần bia tại Việt Nam.

CEO Tan Teck Chuan Lester cho biết, vấn đề SAB chú trọng không phải là chính xác thị phần, mà là vị trí thị phần. Về thị phần, có 2 yếu tố cần tách bạch là (i) thị phần thương hiệu và (ii) thị phần công ty. Trong đó, thương hiệu bia Sài Gòn đang là số 1 tại Việt Nam và vẫn tăng trưởng tốt năm qua. Mục tiêu kế tiếp là đưa SAB lên số 1 và duy trì nó, đây cũng là nhiệm vụ 2024 của Công ty.

"SAB thực chất không muốn chia sẻ thị phần. Chủ tịch muốn chúng tôi gia tăng, chiếm lĩnh thị phần. Để làm được, Sabeco sẽ tập trung vào 3 khía cạnh: Tối ưu bán hàng, hiệu quả cung ứng, và hoạt động trách nhiệm với xã hội môi trường (ESG). Việc tập trung này đã mang lại kết quả tích cực trong quý 1/2024", CEO nói.

Quý 1/2024, doanh thu thuần SAB đạt 7.184 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này giúp "đại gia" ngành bia chấm dứt chuỗi 4 quý liên tiếp doanh thu tăng trưởng âm so với cùng kỳ.

Dù vậy, tỷ suất lợi nhuận gộp Công tiếp đà giảm xuống 29% (so với mức 30,7% cùng kỳ năm ngoái). Sau khi trừ chi phí, Sabeco lãi sau thuế 1.024 tỷ đồng, nhích nhẹ gần 2% so với quý 1/2023 và cao hơn 6% so với quý trước, qua đó kết thúc chuỗi 5 quý liên tiếp tăng trưởng âm so với cùng kỳ.

Xem thêm tại cafef.vn