'Sắc màu' ngành dệt may 2024: Bên báo lãi cao nhất 20 năm, người 'trắng đơn hàng' chờ ngày hủy niêm yết

Đầu tư và Thương mại TNG "phá đỉnh" lợi nhuận 20 năm

Theo thông tin vừa được công bố mới đây, kết thúc năm 2024, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) ước tính doanh thu đạt 7.736 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ước đạt 315 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2023, hoàn thành 102% kế hoạch đề ra. Đây đều là những con số kỷ lục trong vòng 20 năm qua của doanh nghiệp, kể từ khi công bố thông tin vào năm 2005.

'Sắc màu' ngành dệt may 2024: Bên báo lãi cao nhất 20 năm, người 'trắng đơn hàng' chờ ngày hủy niêm yết
Nguồn: TNG

Xét về cơ cấu doanh thu, doanh thu từ xuất khẩu chiếm đến 97% tổng doanh thu của TNG, chỉ 3% còn lại đến từ thị trường nội địa: Thị trường Mỹ đóng góp 49,85% tổng doanh thu, tiếp theo là Pháp (12,94%), Tây Ban Nha (6,67%), Canada (5,98%), Nga (5,04%), Đức (4,25%) và các thị trường khác.

'Sắc màu' ngành dệt may 2024: Bên báo lãi cao nhất 20 năm, người 'trắng đơn hàng' chờ ngày hủy niêm yết
Nguồn: TNG

Tính đến cuối năm 2024, TNG cũng cho biết đã xác nhận đơn hàng sản xuất đến tháng 6/2025. Công ty đang tiếp tục chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các nhà bán lẻ thời trang lớn như Decathlon, Columbia, The Children’s Place và Sportmaster tại các thị trường Mỹ, Pháp, Đức... Đồng thời, TNG tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong và ngoài nước để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về thương mại quốc tế.

Tương tự TNG, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cũng ghi nhận kết quả ấn tượng. Riêng trong tháng 11/2024, công ty mẹ đạt doanh thu 325 tỷ đồng và lãi ròng 21 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 151% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, doanh thu công ty mẹ TCM đạt 3.481 tỷ đồng và lãi ròng 263 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 49% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và 163% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.

Trong cơ cấu doanh thu của TCM, doanh thu từ sản phẩm may chiếm 76% tổng doanh thu, tiếp theo là vải (16%) và sợi (7%).

Về xuất khẩu, châu Á vẫn là thị trường chính, chiếm 68% tổng doanh thu. Trong đó, Hàn Quốc chiếm 36%, Nhật Bản 13%, Việt Nam 8% và Trung Quốc 6,7%.

Garmex Sài Gòn: Cái bóng của “ông lớn” một thời

Trái ngược với diễn biến tích cực của TNG và TCM, Garmex Sài Gòn (GMC), doanh nghiệp dệt may có lịch sử 50 năm tại TP. HCM đang đối diện khó khăn nghiêm trọng và đứng bên bờ vực hủy niêm yết. Từ tháng 5/2023, công ty đã tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Tính đến tháng 8/2024, doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu từ sản xuất mà chỉ phát sinh các chi phí duy trì nhân sự tối thiểu, bảo dưỡng tài sản cố định và hàng tồn kho.

'Sắc màu' ngành dệt may 2024: Bên báo lãi cao nhất 20 năm, người 'trắng đơn hàng' chờ ngày hủy niêm yết
Nguồn: Tổng hợp

Garmex Sài Gòn từng đạt doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm, sở hữu gần 4.000 nhân viên. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến tình hình kinh doanh của công ty lao dốc, năm 2022, doanh thu của GMC sụt giảm đến 93% so với năm trước, khiến doanh nghiệp lần đầu tiên báo lỗ, buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm nhân sự trên diện rộng. Đến cuối quý III/2024, công ty chỉ còn lại 31 nhân viên.

Trong quý III/2024, Garmex Sài Gòn chỉ đạt doanh thu 116 triệu đồng, chủ yếu từ việc bán phụ liệu tồn kho và kinh doanh nhà thuốc. Lãi gộp chỉ 7 triệu đồng, trong khi lãi từ tiền gửi ngân hàng đạt 841 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý lên đến 9,6 tỷ đồng, bao gồm chi phí nhân công, khấu hao tài sản và dịch vụ mua ngoài. Kết quả, công ty lỗ 8,7 tỷ đồng trong quý III.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn