Sacombank đóng góp ngân sách cao nhất từ trước đến nay
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, ghi nhận nhiều điểm nhấn quan trọng. Sacombank đã đạt mức lợi nhuận và số thuế nộp vào ngân sách Nhà nước cao nhất trong lịch sử hoạt động, đánh dấu bước tiến vượt bậc trong quá trình tái cơ cấu.
Lợi nhuận kỷ lục và đóng góp ngân sách ấn tượng
Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 12.720 tỷ đồng trong năm 2024, tăng trưởng 33% so với năm 2023 và vượt 20% kế hoạch đề ra. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng.
Mặc dù thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm 11%, chỉ còn 49.988 tỷ đồng, nhưng nhờ vào việc giảm mạnh chi phí lãi (-25%), thu nhập lãi thuần vẫn tăng trưởng 11%, đạt 24.532 tỷ đồng so với năm 2023.
Chi phí hoạt động của Sacombank tăng lên 13.982 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại giảm mạnh 46%, xuống còn 1.974 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 10.087 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước.
Tổng tài sản của Sacombank đạt 748.094 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023, trong khi dư nợ cho vay khách hàng tăng 12%, đạt 539.314 tỷ đồng, và tiền gửi khách hàng tăng 11%, đạt 566.881 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu tăng 18%, lên mức 12.957 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ từ 2,28% lên 2,4%.
Một trong những điểm nổi bật trong năm 2024 là Sacombank đã nộp tổng cộng 2.541 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tăng gấp ba lần so với mức 841 tỷ đồng năm 2023, đánh dấu số thuế TNDN cao nhất trong lịch sử ngân hàng, vượt qua con số kỷ lục của năm 2022 (1.426 tỷ đồng).
Ngoài thuế TNDN, Sacombank còn đóng góp 707 tỷ đồng cho các loại thuế khác và gần 668 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng (GTGT). Tổng cộng, ngân hàng đã đóng góp hơn 3.916 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước trong năm 2024, tăng 1.740 tỷ đồng (80%) so với năm 2023, vượt qua kỷ lục của năm 2022 (gần 2.700 tỷ đồng).
![]() |
Số thuế TNDN và tổng thuế thực nộp của Sacombank qua các năm. |
Kỳ vọng bứt phá trong năm 2025
Sacombank hiện đang ở giai đoạn quan trọng trong quá trình tái cơ cấu, với mục tiêu xử lý 32,5% cổ phần của ông Trầm Bê. Các chuyên gia dự báo vấn đề này sẽ được giải quyết ngay trong năm 2025, mở ra triển vọng mạnh mẽ cho ngân hàng trong tương lai.
Theo dự báo từ VNDirect Research, lợi nhuận ròng của Sacombank có thể đạt 15.425 tỷ đồng vào năm 2025, tăng 52,9% so với năm 2024, nhờ vào khoản thanh toán từ thương vụ bán Khu công nghiệp Phong Phú. Đáng chú ý, ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến nếu hoàn tất đấu giá 32,5% cổ phần liên quan đến ông Trầm Bê.
Khu công nghiệp Phong Phú, rộng 134 ha tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, đã được Sacombank đấu giá thành công với mức giá khoảng 7.900 tỷ đồng. Phần lớn số tiền thu về sẽ được sử dụng để tất toán trái phiếu VAMC, đồng thời giúp Sacombank ghi nhận lợi nhuận bất thường từ khoản thu ngoài lãi. VNDirect Research dự báo khoản lợi nhuận từ thương vụ này sẽ đạt khoảng 2.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng khác là thương vụ bán cổ phần của ông Trầm Bê. Nếu thành công, Sacombank có thể ghi nhận lợi nhuận bất thường khoảng 20.000 tỷ đồng, đồng thời nâng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) lên khoảng 13,4%, giúp ngân hàng mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao hơn mà vẫn tuân thủ quy định.
Sacombank dự kiến tổ chức Đại hội Cổ đông Thường niên vào ngày 25/4 tại TP.HCM. Đây luôn là sự kiện được chờ đợi, khi các cổ đông cùng bàn thảo các chiến lược phát triển và những quyết định quan trọng về tái cơ cấu và cổ tức.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn