Sacombank lên kế hoạch chia cổ tức sau 10 năm, cổ phiếu tăng vọt

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) vừa công bố tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, bổ sung tờ trình về kế hoạch tăng vốn điều lệ. ĐHĐCĐ thường niên sẽ được tổ chức vào ngày 25/4 tới đây.

Theo đó, Sacombank dự kiến phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên theo chính sách lựa chọn của ngân hàng. Nguồn thực hiện lấy từ phần lợi nhuận sau thuế hợp nhất lũy kế còn lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2024.

Năm 2024, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 12.720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ theo quy định, ngân hàng còn lại 7.013 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Cộng với 18.339 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại từ các năm trước, tổng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế là 25.352 tỷ đồng. Đây là nền tảng vững chắc cho kế hoạch chia cổ tức sắp tới.

Về tỷ lệ chia cổ tức, HĐQT Sacombank sẽ xây dựng phương án chi tiết sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, bao gồm tỷ lệ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức và tỷ lệ cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, trước khi lấy ý kiến cổ đông.

Vấn đề cổ tức luôn là "điểm nóng" được nhiều cổ đông chất vấn tại mỗi kỳ ĐHĐCĐ của Sacombank bởi đã hơn 10 năm, ngân hàng này chưa trả cổ tức lần nào.

Lãnh đạo nhà băng nhiều lần bày tỏ rằng chưa thể chia cổ tức do chưa hoàn thành đề án tái cơ cấu hậu sáp nhập và phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý, mong muốn cổ đông có thể nhẫn nại và thông cảm.

Lần gần nhất mà Sacombank thực hiện trả cổ tức là vào tháng 10/2015.

Như vậy, nếu được phê duyệt, cổ đông Sacombank sắp được nhận cổ tức sau 10 năm chờ đợi.

Theo tài liệu cổ đông 2025, Sacombank đã thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong năm qua, nâng tổng lũy kế xử lý lên 103.988 tỷ đồng, trong đó riêng phần thuộc Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập là 76.695 tỷ đồng.

Với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán 7.934 tỷ đồng, cao hơn so nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Sacombank đã thực thu hồi 1.587 tỷ đồng và dự kiến thu hồi đầy đủ trong năm 2025.

Đối với các khoản nợ được bảo đảm bằng cổ phiếu STB của ông Trầm Bê và người có liên quan, Sacombank cho biết đã trình các phương án xử lý và đang chờ sự phê duyệt từ NHNN.

Về trích lập dự phòng rủi ro, năm 2024, Sacombank đã trích lập 2.623 tỷ đồng dự phòng rủi ro và sử dụng 2.061 tỷ đồng dự phòng để xử lý rủi ro (trong đó, xử lý rủi ro tín dụng 756 tỷ đồng và xử lý trái phiếu VAMC 1.305 tỷ đồng). Hoàn thành trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng tại ngân hàng lên 25.689 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Sacombank dự kiến được tổ chức vào ngày 25/4 tại TP.HCM.

Năm 2025, Sacombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.

Sau khi có thông tin Sacombank bổ sung phương án chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng, cổ phiếu STB của Sacombank bật tăng mạnh.

Trong phiên giao dịch hôm nay (21/4), dù VN-Index giảm tới 12 điểm nhưng cổ phiếu STB của Sacombank bất ngờ ngược dòng tăng mạnh 4,9%, đóng cửa tại 40.450 đồng/cp - mức đỉnh lịch sử của mã này. STB là cũng cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất hôm nay.

Thanh khoản STB hôm nay cũng tăng mạnh, cao nhất trong 6 phiên gần nhất, với 34 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp đôi phiên trước, giá trị hơn 1.300 tỷ đồng.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn