Sacombank (STB) bất ngờ đại hạ giá khoản nợ liên quan 5.833 lượng vàng SJC

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã chứng khoán STB) công bố thông tin đấu giá khoản nợ do Công ty Đấu giá Hợp danh Toàn Cầu tổ chức. Đây là khoản nợ do Sacombank đề nghị bán.

Sacombank vẫn mắc kẹt với khoản nợ xấu 5.833 lượng vàng

Vàng miếng SJC đang là chủ đề nóng, NHNN vừa điều chỉnh tăng giá bán vàng sau một thời gian đứng yên. NHNN đang thực hiện bán vàng thông qua Big 4 Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), BIDV (BID), Agribank và công ty SJC bằng hình thức đăng ký online. Khối lượng vàng bán ra mỗi ngày có giới hạn, do vậy ngay khi các ngân hàng mở cổng đăng ký bán hàng ngày, đã lập tức hết suất chỉ sau một vài phút.

Trong bối cảnh vàng đang nóng, Sacombank lại tiếp tục mang khoản nợ liên quan 5.833 lượng vàng ra bán. Khoản nợ xấu này kéo dài từ năm 2009 dưới thời doanh nhân Trầm Bê, đến nay vẫn chưa được xử lý xong.

Đây là khoản nợ của CTCP Kinh doanh Thuỷ hải sản Sài Gòn (APT). Theo công bố, tháng 1/2009 thuỷ hải sản Sài Gòn ký 2 hợp đồng tín dụng, trong đó 1 hợp đồng có hạn mức vay 103 tỷ đồng và 1 hợp đồng là 5.833 lượng vàng.

Tổng nghĩa vụ nợ đến ngày 8/1/2024 là 1.768 tỷ đồng, trong đó vốn vay 530 tỷ đồng; lãi trong hạn hơn 823 tỷ đồng và lãi quá hạn 415 tỷ đồng. Như vậy, sau 15 năm, tổng lãi phải trả đã hơn gấp đôi vốn vay.

Nhiều lần rao bán bất thành, lần này Sacombank quyết tâm thu hồi công nợ, đại hạ giá khoản nợ xuống còn 846 tỷ đồng - chưa bằng 1/2 tổng nghĩa vụ nợ.

Giá này đã được giảm khoảng 200 tỷ đồng so với phát giá 1.044 tỷ đồng ở phiên đấu giá tổ chức 1 tháng trước đó, ngày 12/7. Phiên đấu giá lần này dự kiến tổ chức vào 10h ngày 21/8.

Sacombank (STB) bất ngờ đại hạ giá khoản nợ liên quan 5.833 lượng vàng SJC
Thuỷ hải sản Sài Gòn (APT) có 2 hợp đồng vay, tổng dư nợ 1.768 tỷ đồng tại Sacombank

Thủy sản Sài Gòn đang âm vốn chủ sở hữu 1.264 tỷ đồng

CTCP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn, thành lập tháng 5/2006 trên cơ sở cổ phần hoá Công ty Kinh doanh Thuỷ hải sản.

Khoản vay nợ này của thủy hải sản Sài Gòn phát sinh tại Sacombank thực chất là khoản vay thời ngân hàng Phương Nam. Bản thân doanh nghiệp cũng đang đau đầu với khoản nợ này do áp lực trả lãi vay.

Báo cáo tài chính năm 2023 ghi nhận doanh thu khá ổn định vài trăm tỷ đồng mỗi năm, trong đó các năm 2019, 2020 đều vượt 350 tỷ đồng. Thậm chí lãi gộp được tính hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Tuy vậy, gánh nặng chi phí lãi vay và việc đánh giá lại dư nợ gốc khoản vay khiến công ty rơi vào cảnh thua lỗ triền miên nhiều năm liên tiếp. Tổng lỗ luỹ kế đến 31/12/2023 lên đến 1.354 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 1.264 tỷ đồng.

Sacombank (STB) tiếp tục ‘đại hạ giá’ khoản nợ 1.700 tỷ đồng, là nợ xấu dưới thời ông Trầm Bê

Thế khó của thuỷ hải sản Sài Gòn là giá vàng liên tục tăng cao. Giá vàng vàng thời điểm 2008, 2009 khi bắt đầu vay chỉ khoảng 18 triệu đồng/lượng, và nay là khoảng 80 triệu đồng/lượng. Riêng lãi tiền vay và đánh giá lại chênh lệch mỗi năm khiến số nợ gốc của công ty liên tục tăng.

Sacombank đang gánh nhiều khoản nợ xấu nghìn tỷ từ nhiều năm trước. Hiện tại ông Dương Công Minh đang cùng ngân hàng tích cực xử lý khi thời hạn kết thúc tái cơ cấu đã cận kề.

Nếu nói năm 2009, năm phát sinh khoản nợ, thì Sacombank đang dưới sự điều hành của doanh nhân Đặng Văn Thành. Tuy vậy trên thực tế khoản nợ này được ký kết với ngân hàng Phương Nam, do vậy mối liên quan phải kể đến doanh nhân Trầm Bê.

Sacombank (STB) tiếp tục ‘đại hạ giá’ khoản nợ 1.700 tỷ đồng, là nợ xấu dưới thời ông Trầm Bê
Ông Dương Công Minh (phải) và ông Trầm Bê (trái)

Giai đoạn năm 2015 khi câu chuyện sáp nhập được đưa lên bàn nghị sự, ông Trầm Bê và những người liên quan đã có một cam kết về việc ủy quyền không hủy ngang cho Ngân hàng Nhà nước toàn bộ số cổ phần của mình, như một lời đảm bảo cho các khoản công nợ lúc đó. Sau sáp nhập, Sacombank cũng tiếp nhận tất cả các hoạt động của Phương Nam, bao gồm các khoản nợ.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn