Sacombank (STB) đã đấu giá thành công khu công nghiệp Phong Phú?

Theo đánh giá của Agriseco Research, kết quả kinh doanh năm 2023 tăng trưởng tốt nhờ hoàn thành trích lập dự phòng. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý IV và cả năm 2023 của Sacombank ghi nhận tăng đáng kể, lần lượt là 2.755 tỷ đồng (tăng 45%) và 9.595 tỷ đồng (tăng 51%), nhờ chi phí dự phòng giảm mạnh.

Lũy kế cả năm 2023, thu nhập lãi thuần tăng 29%, biên lãi ròng (NIM) năm 2023 tiếp tục xu hướng tăng, đạt 3,8% (tăng 0,4 điểm phần trăm so với năm ngoái nhờ tỷ suất sinh lời tài sản cao 9,6%). Theo đó, Sacombank là một trong số ít ngân hàng có tỷ NIM mở rộng trong năm 2023.

Trong khi đó, tổng thu nhập hoạt động đi ngang so với năm 2022, đạt 26.173 tỷ đồng do sự sụt giảm từ thu nhập hoạt động dịch vụ. Tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 31/12/2023 đạt 2,28%, tăng nhẹ so với mức 2,20% cuối quý III/2023 và Sacombank đã tăng cường gia tăng bộ đệm dự phòng cao hơn trong năm.

Nhận định về triển vọng lợi nhuận năm 2024, Agriseco Research cho rằng, Sacombank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với nhiều động lực chính. Theo đó, Agriseco Research kỳ vọng Sacombank sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn (sau khi trích lập xong các tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý trong năm 2023) trong bối cảnh kinh tế vĩ mô phục hồi tích cực hơn.

Đồng thời, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính tại Đề án tái cơ cấu trong năm 2023, Sacombank đẩy nhanh tiến độ đấu giá 32,5% cổ phần STB tại VAMC theo tiến độ thì sớm nhất là tới quý II/2024 sẽ hoàn thành. Agriseco Research còn cho biết, Sacombank đã xác nhận đấu giá thành công KCN Phong Phú với giá trị trên 7.900 tỷ đồng và đang chờ nhận tiền thanh toán. Điều này sẽ giúp Sacombank gia tăng tài sản sinh lời, tạo dư địa tăng trưởng cao trong giai đoạn tới.

Trước đó, hồi đầu năm 2023, Sacombank đã tổ chức bán đấu giá 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án KCN Phong Phú. Đây là lần thứ 5 Sacombank rao bán khoản nợ này với giá khởi điểm là 7.934 tỷ đồng. Thông tin từ phía Sacombank, tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 4/2023, lãnh đạo Sacombank cho biết, sẽ bán khoản nợ liên quan KCN Phong Phú và không để mất vốn, không mất khoản dự thu đã dự toán. Đây là khoản nợ phát sinh từ việc cho vay của SouthernBank giai đoạn 2011 - 2012, với tài sản đảm bảo là toàn bộ lợi ích phát sinh từ quyền sử dụng đất Dự án KCN Phong Phú (tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Đến năm 2015, SouthernBank sáp nhập vào Sacombank thì khoản nợ này trở thành nợ xấu mà Sacombank phải xử lý.

Như vậy, nếu xử lý được khoản nợ trên Sacombank tiến sát mục tiêu hoàn thành đề án tái cơ cấu trong năm nay. Trước thắc mắc của cổ đông cho rằng, Sacombank vẫn đạt mức lợi nhuận đề ra hàng năm nên cần sớm chia cổ tức cho cổ đông, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, do đang tái cơ cấu nên dù đã trình lên NHNN xin được chia cổ tức cho cổ đông, nhưng chưa được chấp thuận mà phải tập trung nguồn lực để xử lý các tồn đọng trong thời kỳ hậu M&A và sau quá trình tái cấu trúc sẽ chia cổ tức.

Cũng theo người đứng đầu Sacombank, ngân hàng đã cơ bản xử lý nợ xấu, duy chỉ còn vấn đề liên quan đến chỗ cổ phiếu của ông Trầm Bê, nhà băng này đã trình phương án mua lại số cổ phiếu đó từ NHNN để bán đấu giá và xử lý dứt điểm vấn đề. Sau khi xử lý xong, hoàn tất tái cơ cấu, Ngân hàng mới được chia cổ tức.

Sacombank đã xác định, năm 2024 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu nên khả năng tại đại hội năm nay, cổ đông không phải nghe chất vấn về việc chia cổ tức nữa. Trước đó, Sacombank đã trình phương án chia cổ tức để tăng vốn điều lệ và đang chờ phê duyệt của NHNN. Lợi nhuận giữ lại hiện nay đạt 12.600 tỷ đồng, chuẩn bị sẵn sàng chia cổ tức cho cổ đông để tăng vốn nhưng khi NHNN cho phép.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn