Sacombank thực hiện 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2024 nhờ chi phí dự phòng giảm

Đạt 5.342 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau nửa đầu năm

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế 5.342 tỷ đồng, tăng 12,3%; lợi nhuận sau thuế ở mức 4.288 tỷ đồng, tăng 12,1%. Như vậy, sau nửa năm, Sacombank đã thực hiện được 50,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế được Đại hội đồng cổ đông giao là 10.600 tỷ đồng trước thuế.

Cụ thể, trong quý II/2024, cả thu nhập lãi thuần và cả khoản thu nhập ngoài lãi của Sacombank đều tăng trưởng so với cùng kỳ, giúp tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng 6,2% lên 7.154 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 6,3% khi chi phí lãi giảm nhanh hơn thu nhập lãi. 

Thu nhập ngoài lãi của Sacombank được hỗ trợ bởi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối, tăng lần lượt 4,1% và 24,7%, mang về 681 tỷ đồng và 306 tỷ đồng. Lãi thuần của hoạt động chứng khoánđầu tư và hoạt động kinh doanh khác giảm so với cùng kỳ, nhưng đóng góp không đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận. 

Sacombank thực hiện 50% kế hoạch lợi nhuận năm nhờ chi phí dự phòng giảm

Tính đến ngày 30/06/2024, tổng tài sản hợp nhất của Sacombank đạt hơn 717.000 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm, trong đó tài sản có sinh lời tăng 11%. Quy mô huy động và cho vay tăng trưởng tích cực, cao hơn mức bình quân ngành. Tổng huy động đạt gần 642.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, trong đó 80% tiền gửi từ khách hàng cá nhân.

Dư nợ tín dụng đạt gần 517.000 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, thị phần tăng 0,03%, chủ yếu đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tối ưu cấu trúc nguồn vốn giúp tăng tính ổn định, giảm nhanh chi phí vốn, cải thiện NIM và tạo điều kiện tăng thu lãi thuần.

Ngân hàng đã thu hồi, xử lý được 4.822 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,15%. Theo thông tin trước đó từ Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Sacombank được kỳ vọng sẽ ghi nhận khoản thu nhập khác trị giá 1.336 tỷ đồng từ thương vụ bán Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú trong năm 2024 sau khi trích lập toàn bộ phần nợ trái phiếu VAMC.

Dự phòng rủi ro giảm nhờ bán xong khoản nợ KCN Phong Phú?

KBSV cho biết vào đầu tháng 6, Sacombank đã thu được 20% tổng giá trị bán, dự thu tiếp 40% trong năm 2024 và 40% còn lại trong năm 2025. Chi phí hoạt động của Sacombank tăng 31,2% so với cùng kỳ lên 3.153 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí nhân viên và chi dự phòng phải thu cao hơn. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Sacombank giảm 14,5% so với cùng kỳ, xuống 3.153 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro trong quý II/2024 cũng giảm tới 64,6%, xuống 465 tỷ đồng, giúp lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong những quý gần đây, chi phí dự phòng rủi ro của Sacombank đã cải thiện đáng kể do ngân hàng đã hoàn thành trích lập toàn bộ trái phiếu VAMC từ cuối năm 2023. Đối với 32,5% vốn liên quan đến ông Trầm Bê đang được VAMC nắm giữ, đầu tháng 12/2023, Sacombank đã trình phương án lên NHNN để được chủ động xử lý theo hình thức bán đấu giá

Trong khi đó, theo chứng khoán Vietcap, Sacombank đã sử dụng khoản tiền thanh toán KCN Phong Phú để cấn trừ khoản trái phiếu đặc biệt tại VAMC trong nửa đầu năm. Giá trị của tài sản này được nhiều công ty chứng khoán ước tính khoảng 7.900 tỷ đồng. Do đó, Sacombank gần như không phải trích lập chi phí dự phòng cho trái phiếu VAMC trong 6 tháng đầu năm 2024.

Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý II của Sacombank, số dư trái phiếu đặc biệt VAMC ròng sau khi đã trừ phần trích lập dự phòng là 623 tỷ đồng, thấp hơn mức 1.800 tỷ đồng vào cuối năm 2023 trong khi mức dự phòng giảm giá cho trái phiếu này xấp xỉ con số cuối năm trước với 14.563 tỷ đồng. Cũng trong kỳ, chi phí dự phòng rủi ro trong đã giảm 64,6%, xuống 465 tỷ đồng; chi phí dự phòng nửa đầu năm giảm 50,7% xuống 1.143 tỷ đồng. 

Vietcap nhận định, Sacombank sẽ ghi nhận khoản 2.000 tỷ đồng thu nhập ngoài lãi từ việc bán các khoản nợ liên quan tới KCN Phong Phú trong nửa cuối năm 2024. Trong quý II/2024, ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác chỉ ở mức 34 tỷ đồng. 

Thông tin bán đấu giá 18 khoản nợ liên quan KCN Phong Phú được đưa ra lần gần nhất là vào ngày 19/1/2023 từ Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group. Những khoản nợ này đều được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án KCN Phong Phú. Đây là lần thứ 5 khoản nợ này được rao bán với giá khởi điểm là 7.934 tỷ đồng.

Trước đó, theo thông tin từ Sacombank, tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng. Các khoản nợ phát sinh liên quan đến tài sản này đã được bán nợ cho VAMC. Sau đó, VAMC ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định.

Xem thêm tại baodautu.vn