Sacombank vẫn chưa chịu chia cổ tức ở năm thứ 9 liên tiếp

Còn hơn 18.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế

Theo báo cáo giải trình của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), trong năm 2023, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đã kiểm toán của Sacombank là hơn 7.700 tỷ đồng, tăng gần 2.700 tỷ đồng so với năm 2022.

Nguyên nhân được lý giải là thu nhập lãi thuần tăng gần 5.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, do thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng hơn 18.500 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng gần 43.900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước nên lãi cho vay tăng gần 17.800 tỷ đồng.

Còn có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng trên 25.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước nên thu lãi tiền gửi tăng trên 376 tỷ đồng, đầu tư chứng khoán nợ tăng trên 9.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước nên thu lãi từ đầu tư chứng khoán nợ tăng trên 307 tỷ đồng, thu nhập lãi khác tăng gần 76 tỷ đồng.

Sacombank vẫn chưa chịu chia cổ tức ở năm thứ 10 liên tiếp

Bên cạnh đó, chi phí trả lại tiền gửi và tiền vay tăng trên 13.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, do tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng gần 72.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước nên chi phí trả lãi tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá tăng trên 14.200 tỷ đồng, vay Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác giảm gần 13.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước nên chi phí trả lãi vay giảm gần 39 tỷ đồng, chi phí khác giảm trên 600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước…

Mặt khác, thu nhập từ hoạt động còn lại giảm gần 4.900 tỷ đồng, chi từ các hoạt động còn lại giảm trên 2.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, từ 3 hoạt động thu nhập lãi thuần tăng, thu nhập từ các hoạt động còn lại giảm và chi phí các hoạt động còn lại giảm, dẫn tới lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán của Sacombank tăng gần 2.700 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng, tuy nhiên trong tài liệu Đại hội đồng Cổ đông dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 26/4/2024, tại White Palace (số 194 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận) thì Sacombank vẫn chưa đề cập đến việc chia cổ tức. Điều này khiến cổ đông băn khoăn và nghi ngại.

Bởi, trước đó Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2023, Sacombank đã trình cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận hợp nhất lũy kế là gần 12.700 tỷ đồng. Trong khi, lợi nhuận sau thuế hợp nhất sau khi trích lập các quỹ còn lại là hơn 5.700 tỷ đồng cộng thêm lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước là gần 12.700 tỷ đồng, vậy, lũy kế lợi nhuận hợp nhất của Sacombank đã lên tới gần 18.400 tỷ đồng. Đây là số tiền mà cổ đông đang ngóng chờ và chưa biết Sacombank dùng để làm gì?.

Chờ câu trả lời của Sacombank

Nguyên do kỳ Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2023 chưa chia cổ tức được cho là Sacombank đang tái cơ cấu và xử lý việc đấu giá cổ phần của ông Trầm Bê và các bên liên quan.

Mới đây, có thông tin về việc Sacombank đã đấu giá thành công Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh), Tập đoàn bất động sản Kita Group là đơn vị trúng đấu giá cho khoản nợ hơn 16.000 tỷ đồng (gồm gốc và lãi). Đây là một trong những bất động sản (tài sản) liên quan đến Trầm Bê, tuy nhiên, việc này giải quyết như thế nào thì đến nay Sacombank vẫn chưa thông tin.

Nếu kỳ Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024 Sacombank vẫn chưa chia cổ tức sẽ là năm thứ 9 liên tiếp (kể từ năm 2015), ngân hàng gắn với đại gia Dương Công Minh không chia cổ tức. Cổ đông và dư luận đang chờ câu trả lời của Sacombank.

Có thông tin về việc Sacombank đã đấu giá thành công Khu công nghiệp Phong Phú, Tập đoàn bất động sản Kita Group là đơn vị trúng đấu giá cho khoản nợ hơn 16.000 tỷ đồng (gồm gốc và lãi).

Một diễn tiến khác, trong năm 2023, tình hình nhân sự cấp cao của Sacombank cũng có nhiều biến động phức tạp. Điển hình như ngày 18/9/2023, Sacombank miễn nhiệm ông Võ Anh Nhuệ, Phó Tổng giám đốc. Trước đó hồi đầu năm, ngày 1/2/2023, Sacombank cũng miễn nhiệm Ông Lê Văn Ron, Phó Tổng giám đốc và ở giữa năm, ngày 13/6/2023 cũng miễn nhiệm Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc.

Theo Báo cáo quản trị năm 2023, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT hiện đang nắm giữ hơn 62,5 triệu cổ phần, tương đương với 3,2% vốn điều lệ, trong khi đó bà Dương Thị Liên (em ông Minh) đang nắm giữ gần 11,9 triệu cổ phần, tương đương 0,2% vốn điều lệ. Còn bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đang nắm giữ trên 76.300 cổ phần, tương đương với 0,004% vốn điều lệ.

Mới đây ông Dương Công Minh vướng tin đồn cấm xuất cảnh tuy nhiên Sacombank đã phủ nhận tin đồn trên, dù vậy nó đã khiến cho cổ phiếu Sacombank (mã STB) gặp nhiều sóng gió, áp lực bán tháo với thanh khoản kỷ lục. Ông Dương Công Minh là đại gia nối tiếp sau ông Đặng Văn Thành và ông Trầm Bê ngồi vào ghế chủ tịch HĐQT của Sacombank.

Liên quan đến các nội dung này, PV Tài chính doanh nghiệp đã liên lạc với Sacombank nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Xem thêm tại taichinhdoanhnghiep.net.vn