SAM Holdings: Dấu hỏi về triển vọng hoạt động

Lãnh đạo không sở hữu, không còn cổ đông lớn

Mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc gia, tổ chức có liên quan đến ông Hoàng Lê Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị SAM Holdings công bố đã bán ra toàn bộ 8.894.983 cổ phiếu SAM để giảm sở hữu từ 2,34% về 0% vốn điều lệ. Thương vụ được thực hiện theo phương thức giao dịch thỏa thuận trong thời gian từ ngày 27/2 - 28/4/2023.

Đáng nói, đây là giai đoạn thị giá SAM ở vùng đáy 3 năm qua, dao động quanh 6.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 70% so với vùng đỉnh 26.710 đồng/cổ phiếu, thiết lập vào tháng 1/2022 và thấp hơn gần 40% so với giá trị sổ sách tại thời điểm cuối quý I/2023 (10.328 đồng/cổ phiếu, theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán SSI).

Chưa rõ bên nhận chuyển nhượng lô cổ phiếu này là ai và giá bán thỏa thuận ra sao, nhưng việc tổ chức liên quan đến lãnh đạo cao nhất thoái sạch vốn đúng vào lúc cổ phiếu tạo đáy, cộng hưởng với những thông tin về cơ cấu cổ đông hiện tại và sở hữu của Ban lãnh đạo khiến giới đầu tư không khỏi e ngại về nội tại doanh nghiệp.

Được biết, tại thời điểm 28/3/2023, SAM Holdings không có cổ đông nào sở hữu trên 5% vốn điều lệ, toàn bộ là cổ đông nhỏ. 5 thành viên Hội đồng quản trị, gồm ông Hoàng Lê Sơn (Chủ tịch), ông Phương Xuân Thuỵ, ông Bùi Quang Bách, ông Trần Việt Anh (Tổng giám đốc) và ông Nguyễn Minh Tùng đều không sở hữu cổ phần nào.

Dự án chậm triển khai, hiệu quả sử dụng vốn thấp

SAM từng được biết đến là một trong hai cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (năm 2000), cùng với mã REE (của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh). Nếu như REE tận dụng được cơ hội huy động vốn để mở rộng hoạt động, duy trì đà tăng trưởng cao bền vững thì SAM ngày càng mờ nhạt.

Hiệu quả kinh doanh của SAM Holdings duy trì ở mức thấp trong nhiều năm qua. Năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu 2.109,06 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2021, tuy vậy, chi phí tài chính tăng đột biến đã “ăn mòn” lợi nhuận. Cụ thể, chi phí tài chính lên tới 291,11 tỷ đồng, tăng 253,3% so với cùng kỳ, chủ yếu do thua lỗ đầu tư chứng khoán 132,8 tỷ đồng và chi phí lãi vay 90,5 tỷ đồng…

Kết quả, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 7,15 tỷ đồng, giảm tới 95,5% so với năm 2021 và chỉ hoàn thành 19,3% kế hoạch đề ra. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty chỉ đạt 0,06%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành là 8,11% trong cùng thời gian.

Hai năm trước đó, 2020 - 2021, kết quả kinh doanh của SAM Holdings khởi sắc nhờ mảng đầu tư tài chính - một trong hai mảng hoạt động chính của Công ty - hưởng lợi từ đà thăng hoa của thị trường chứng khoán. Tuy vậy, nếu tính bình quân giai đoạn 2019 - 2022, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) cũng chỉ đạt 1,41%, còn ROE chỉ đạt 2,4%, chỉ bằng một nửa so với mức trung bình ngành (lần lượt đạt 2,86% và 4,69%).

Quý I năm nay, Công ty ghi nhận doanh thu giảm 8,4%, về 439,21 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 116,7%, lên 12,85 tỷ đồng, tương ứng ROA đạt 0,09% và ROE là 0,18%, dù có cải thiện so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức rất thấp.

Năm 2023, SAM Holdings đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 2.406,97 tỷ đồng, giảm 2,33% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 90,04 tỷ đồng, tăng 121,66% so với mức thực hiện năm ngoái.

Được biết, trong nhiều năm trở lại đây, lợi nhuận của Công ty phụ thuộc vào hoạt động tài chính, chủ yếu là danh mục đầu tư chứng khoán và hợp tác đầu tư. Các mảng kinh doanh lõi thường có lợi nhuận âm, hoặc lãi không đáng kể. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn chưa ổn định, thanh khoản sụt giảm và lĩnh vực bất động sản trầm lắng, cả hai mảng kinh doanh chính của Công ty đều gặp khó khăn. Đó là chưa kể, các dự án bất động sản của Công ty đều trong tình trạng chậm triển khai, chưa biết đến khi nào mới hoàn thành để có thể “ra hàng”.

Còn nhớ, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của SAM Holdings, nhiều cổ đông đã chất vấn Ban lãnh đạo về hiệu quả sử dụng tài sản thấp so với doanh nghiệp có cùng điểm xuất phát như REE, đặc biệt là tình trạng nhiều dự án của Công ty chậm triển khai trong một thời gian dài, chẳng hạn dự án Samland

Riverside đã trễ 3 năm so với kế hoạch (dự kiến triển khai từ năm 2016 đến tháng 11/2019, theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án của UBND TP.HCM). Theo lý giải của ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc SAM Holdings, do 3 năm qua, nhiều dự án bất động sản liên quan tới đất công ở TP.HCM bị dừng lại, Công ty đang tìm giải pháp tháo gỡ và đến năm 2022 về cơ bản có khả năng hoàn thành các thủ tục pháp lý.

Tương tự, với dự án 55 ha tại Nhơn Trạch (dự kiến triển khai từ năm 2018 đến tháng 6/2025 theo chấp thuận chủ đầu tư dự án của UBND tỉnh Đồng Nai), Công ty đã giải phóng được 75% tổng diện tích, đặt mục tiêu quý II/2022 đền bù xong 100% và có thể chọn thời điểm mở bán để tối ưu hóa lợi nhuận.

Trước đó, trong năm 2021, Công ty cũng thông qua kế hoạch giải phóng mặt bằng 100%, hoàn tất các thủ tục pháp lý tại dự án này nhưng kết thúc năm vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong.

Tuy nhiên, tại ngày 31/3/2023, chi phí xây dựng dự án Samland Riverside (quy mô 1.798,4 m2) chỉ tăng nhẹ so với đầu năm, từ 133,72 tỷ đồng lên 133,88 tỷ đồng; dự án 55 ha tại Nhơn Trạch tăng từ 512,45 tỷ đồng lên 513,67 tỷ đồng, tức tăng thêm khoảng 1,22 tỷ đồng. Như vậy, về cơ bản, trong quý đầu năm nay và năm 2022, hai dự án chậm triển khai vẫn chưa có chuyển động rõ rệt.

Được biết, thời điểm 31/12/2022, dự án Samland Riverside vẫn đang dừng triển khai và chờ được cấp giấy phép xây dựng; đối với dự án ở Nhơn Trạch, dự án đang trong giai đoạn thực hiện chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ngoài thực hiện các dự án bất động sản thương mại, trong những năm gần đây, SAM Holdings phát triển thêm các dự án bất động sản khu công nghiệp và nghỉ dưỡng. Trong đó, tính tới 31/3/2023, SAM Holdings triển khai dự án Khu công nghiệp Tam Thăng 2, diện tích 103 ha với giá trị đầu tư đạt 134,9 tỷ đồng, trên tổng vốn đầu tư 433,28 tỷ đồng; và 250,3 tỷ đồng dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Tuyền Lâm, Lâm Đồng với quy mô 194,92 ha.

Có thể thấy, thay vì tập trung nguồn lực để triển khai một vài dự án để mang lại dòng tiền thì SAM Holdings dường như đang đầu tư dàn trải, nhiều dự án chưa rõ khi nào mới hoàn thành.

Ban lãnh đạo Công ty nhiều lần khẳng định doanh nghiệp sở hữu nhiều tài sản “hiếm” nhưng thực tế, các tài sản này lại chưa được đưa vào khai thác, không tạo được dòng tiền. Đặc biệt, nếu việc triển khai dự án Samland Riverside chậm tiến độ sẽ làm chôn vốn đầu tư, sản phẩm có nguy cơ lỗi thời. Ngoài ra, việc chậm đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án 55 ha tại Nhơn Trạch có thể kéo theo chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng cao, giảm hiệu quả sử dụng tài sản của Công ty.

SAM Holdings đi vào lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam khi là một trong hai doanh nghiệp niêm yết đầu tiên nhờ tinh thần tiên phong của ông Đỗ Văn Trắc, người lãnh đạo Công ty từ thời điểm đó cho đến nhiều năm sau này.

Tới năm 2016, ông Đỗ Văn Trắc công bố nghỉ hưu, thoái toàn bộ cổ phần sở hữu tại SAM cho nhóm cổ đông mới, trong đó có ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc kế nhiệm. Tại Đại hội đồng cổ đông chuyển giao quyền lực, ông Trắc chia sẻ, ông không làm mất vốn của Công ty, giá trị vốn được được bảo toàn. Nhóm cổ đông mới tiếp quản SAM định hướng phát triển Công ty theo mô hình holdings. Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính là dây và cáp điện, bất động sản, nghỉ dưỡng và du lịch, đầu tư tài chính còn mở rộng thêm lĩnh vực nông nghiệp.

Những tưởng ông Vương sẽ lãnh đạo SAM Holdings thực hiện định hướng chiến lược dài hạn, nhưng tháng 8/2018, ông Vương bắt đầu thoái vốn và thoái xong chỉ sau một tháng. Người kế nhiệm ông Vương là ông Trần Việt Anh, hiện vẫn là Tổng giám đốc SAM.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn