Sản lượng đồng loạt tăng, nhiều cảng biển báo lãi
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa đã có sự khởi sắc tích cực trong quý 1/2024 với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 93,06 tỷ USD, tăng trưởng 17%; nhập khẩu đạt gần 85 tỷ USD, tăng trưởng 13,9%.
Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng trở lại đã mang lại không khí sôi động cho các cảng biển sau nhiều tháng dài ảm đạm. Từ đó giúp gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận cho các doanh nghiệp khai thác cảng.
Báo cáo tài chính quý 1/2024 của Công ty CP Cảng Xanh VIP (VGR) ghi nhận doanh thu hơn 242 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với quý 1/2023, trong khi giá vốn chỉ tăng 7% nên lợi nhuận gộp tăng mạnh 61%, đạt 119,5 tỷ đồng.
Theo giải trình của VGR, sản lượng container qua cảng tăng 22,65% trong quý 1/2024 đã giúp gia tăng doanh thu so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, chi phí khấu hao giảm do tài sản cố định hết khấu hao. Đây là những yếu tố trực tiếp dẫn đến lợi nhuận sau thuế trong kỳ tăng gần gấp đôi so với quý 1/2023, đạt 94,4 tỷ đồng.
Ông lớn cảng biển Gemadept cũng ghi nhận doanh thu tăng 11% trong quý 1/2024, đạt 1.006 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận tới 354 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức 21 tỷ đồng trong quý 1/2023, chủ yếu nhờ lãi chuyển nhượng cảng Nam Hải. Lãi từ liên doanh, liên kết cũng tăng vọt 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 98 tỷ đồng. Kết quả, Gemadept ghi nhận lãi trước thuế 708 tỷ đồng, tăng trưởng 130% so với quý 1/2023.
Trong một báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán HSC cho biết, Cảng Gemalink (Gemadept sở hữu 65% cổ phần) đã tiếp nhận xử lý 232/000 TEUs hàng hóa trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng 121%. HSC ước tính sản lượng hàng hóa qua cảng này trong quý 1/2024 đạt 352.000 TEUs, tăng trưởng khoảng 110%. Mức tăng trưởng ấn tượng này có được nhờ nhu cầu hồi phục và thị phần gia tăng khi cảng Gemalink tiếp nhận thêm tàu mới từ các cảng khác kể từ quý 4/2023.
Theo ước tính của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, các cảng của Gemadept tại Hải Phòng tiếp nhận xử lý 179.000 TEUs trong quý 1/2024, tăng 27% so với quý 1/2023 nhờ nhu cầu cải thiện.
Tại Công ty CP Cảng Sài Gòn, lợi nhuận trước thuế quý 1/2024 cũng đạt 63 tỷ đồng, tăng 103% so với cùng kỳ năm 2023. Được biết, trong kỳ, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng thuộc cảng Sài Gon đạt 2,5 triệu tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng sắt thép nhập khẩu qua cảng Tân Thuận trong quý 1/2024 đạt hơn 600.000 tấn, tăng trưởng 48%, hàng nội địa đạt hơn 290.000 tấn, tăng trưởng 19%...
Nhiều doanh nghiệp cảng biển khác cũng có mức tăng trưởng ấn tượng trong quý 1/2024 như Công ty CP Cảng Quy Nhơn tăng 67%, đạt 40,5 tỷ đồng lãi trước thuế; Công ty CP Cảng Đồng Nai tăng 58%, đạt 104,5 tỷ đồng...
Bên cạnh yếu tố khách quan từ sự hồi phục của sản lượng hàng hóa, các cảng biển cũng đã và đang đẩy mạnh đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh.
Cụ thể, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 - Cảng Quy Nhơn; mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030; đầu tư thiết bị xếp dỡ bến số 1 - Cảng Quy Nhơn. Trong năm 2024, Cảng Quy Nhơn đặt kế hoạch chi 250.987 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là 87,51 tỷ đồng; đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị là 143,691 tỷ đồng; đầu tư công nghệ thông tin 10,98 tỷ đồng; duy tu, sửa chữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên 8,8 tỷ đồng.
Công ty Cảng Xanh VIP cũng đang lên kế hoạch chuẩn bị đầu tư cảng nước sâu Cần Giờ, đồng thời đầu tư mua thiết bị khai thác tại khu Hiệp Phước. Doanh nghiệp này cũng có kế hoạch kéo dài tàu Tân Thuận 2, cải tạo nâng cấp khu Tân Thuận 2…
Tương tự, Công ty CP Cảng Đồng Nai cũng đã và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng làm hàng container kịp thời, giảm tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại cảng nhằm đáp ứng nhu cầu sản lượng tăng cao của khách hàng cũng như tăng sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại cảng.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn