Sản xuất, kinh doanh khởi sắc, doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn

Tổng cục Thống kê khảo sát nhanh hoạt động doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024. Kết quả khảo sát trên 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh cho thấy, có 73,5% doanh nghiệp nhận định hoạt động quý II/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024; 26,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động khó khăn hơn.

Điển hình là ngành dệt may, số lượng đơn hàng tăng mạnh. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, 5 tháng đầu năm, thị trường dệt may đã khởi sắc. So với cùng kỳ năm 2023, đơn hàng đầu năm 2024 đã nhiều hơn, thời gian đặt hàng dài hơn. Đa phần các công ty may của tập đoàn đủ đơn hàng đến tháng 10 và đang đàm phán đơn hàng cho những tháng tiếp theo.

-6691-1719836733.jpg

Những tháng đầu năm ngành dệt may có số lượng đơn hàng tăng mạnh.

Ông Hiếu cho rằng, tính chung xuất khẩu toàn ngành dệt may 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 16 tỉ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm sáng là dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, đồng thời đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Theo ông Hiếu, 6 tháng đầu năm 2024, toàn bộ lao động trong tập đoàn vẫn duy trì lực lượng, thu nhập tương đương năm 2023.

Còn đối với Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang), năm 2024, hoạt động của sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Ông Phó Hồng Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp đã sản xuất hết công suất trong những tháng đầu năm 2024 và dự án giai đoạn 2 cũng đã đạt sản lượng tối đa vào tháng Giêng. Hiện nay, nhu cầu thị trường tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đơn hàng ổn định.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá những biến động của thế giới: căng thẳng biển đỏ làm phí vận chuyển tăng cao, nhu cầu tiêu dùng vẫn còn thấp, tuyển dụng lao động khó khăn… sẽ là rào cản với doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về khó khăn của doanh nghiệp trong quý II/2024, cũng cho thấy về đầu ra “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 53,8% và 43,6%.

Riêng đối với doanh nghiệp xây dựng có 46,9% doanh nghiệp gặp khó khăn do “không có hợp đồng xây dựng mới”.

Về các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao vẫn là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp với 27,4% doanh nghiệp lựa chọn.

Trong khi đó, có 21,2% doanh nghiệp lựa chọn khó khăn về vốn; 19,7% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn tuy đã giảm hơn trước nhưng vẫn còn cao.

Về nguyên, nhiên, vật liệu, 18,1% doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu.

Bên cạnh đó, về thủ tục hành chính, 14,7% doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, có 10,5% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp kiến nghị được tháo gỡ khó khăn về thủ tục vay vốn, lãi suất, được giảm các chính sách thuế, phí và đảm bảo nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, trước hết phải tháo được nút thắt ở thị trường tín dụng, cùng với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Để khơi thông dòng tín dụng, ông Cung nói, không còn cách nào khác vẫn phải cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp mới có nhu cầu phát triển kinh doanh, nhu cầu vay vốn và trả nợ.

"Lúc này, các biện pháp hỗ trợ về phía cung như giảm lãi suất không còn nhiều tác dụng bởi một khi doanh nghiệp không có nhu cầu phát triển kinh doanh thì lãi suất thấp họ cũng không vay", ông Cung cho hay.

Trong báo cáo vừa công bố, của Tổng cục Thống kê, cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm cả nước có 15,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 19,1% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; hơn 7,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,6% và tăng 6,1%; 5.418 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 2,2% và tăng 6,2%; 5.404 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 18,8% và giảm 6%; 2.228 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 44,9% và tăng 50,3%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 18,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn