Sản xuất, mua bán thuốc giả, kém chất lượng ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi

Cuối tháng 9 vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra, phát hiện 1 nhà thuốc buôn bán thuốc CEFUROXIM 500mg có dấu hiệu giả thuốc CEFUROXIM 500mg của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương VIDIPHA sản xuất.

Bất chấp để thu lợi

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiến hành thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin và xử lý theo quy định pháp luật. Qua đó, góp phần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Trước đó, hồi tháng 8, Công an TP Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hóa) cũng đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt tạm giam 7 đối tượng về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.

thuoc-gia-1009.jpg

Việc dùng thuốc giả, thuốc kém chất lượng không chữa được bệnh mà còn làm bệnh ngày càng trầm trọng và nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dùng.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa đã khám xét khẩn cấp 5 địa điểm liên quan đến sản xuất và cất giấu hàng hóa tại Hà Nội, Cần Thơ và Bến Tre. Qua đó, lực lượng chức năng thu giữ nhiều loại thuốc tân dược giả, chủ yếu là kháng sinh, bao gồm: 657 hộp Cefuroxim 500mg, 3.258 hộp Cefixim 200mg, 100 hộp Augxicineg, 100 hộp Panadol Extra, 724 hộp Panactol vỉ nén, 1.080 lọ Panactol. Ngoài ra, còn có 2,2 tấn nguyên liệu, 1.000 tờ hướng dẫn sử dụng và nhiều thiết bị sản xuất thuốc giả như máy ép, khuôn ép vỉ, băng keo dán…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 10% thuốc lưu hành trên toàn cầu được cho là thuốc giả, và con số này ở các nước đang phát triển có thể lên tới 30%, cho thấy sự nghiêm trọng của vấn đề, khi mà hàng triệu bệnh nhân có nguy cơ tiếp xúc với thuốc giả mỗi ngày. Thuốc giả không chỉ thiếu hiệu quả mà còn có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, từ đó đe dọa tính mạng của người sử dụng.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã phát hiện và thu hồi 4 lô thuốc vi phạm chất lượng trên toàn quốc, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý thuốc giả và xử phạt các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Rõ ràng, các đối tượng sản xuất thuốc giả không chỉ làm giả các loại thuốc thông dụng mà còn nhắm đến các loại thuốc điều trị các bệnh nghiêm trọng như ung thư, tiểu đường, và HIV/AIDS. Những loại thuốc này thường có giá rất cao, nên các đối tượng bất chấp để kiếm lợi nhuận, kể cả việc làm tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của người khác.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, trong các mẫu thuốc tân dược bị làm giả đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Bác sĩ Đỗ Thị Thủy (Bệnh viện Thanh Nhàn - Hà Nội) chỉ ra rằng, thuốc giả có thể được sản xuất với chi phí rất thấp, nhưng bán với giá gần tương đương hoặc thậm chí cao hơn thuốc thật. Điều này tạo ra một biên lợi nhuận khổng lồ cho những kẻ buôn lậu. Các đối tượng này sử dụng các chiến lược quảng cáo hấp dẫn kèm theo rất nhiều ưu đãi để thu hút người tiêu dùng, từ đó tạo ra cảm giác an toàn cho khách hàng.

Giới chuyên gia cho rằng, thuốc giả, thuốc kém chất lượng không phải đến bây giờ mới được phát hiện và đề cập. Về mặt kinh tế, đây là món hàng siêu lợi nhuận, và cũng là lý do mà các đối tượng sản xuất, buôn bán tiêu thụ thuốc giả bất chấp tất cả, kể cả vi phạm pháp luật. Và dù có nhiều biện pháp, chế tài xử lý, nhưng vấn nạn này vẫn luôn nhức nhối với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Đại diện cơ quan quản lý thị trường cũng thừa nhận, bằng phương pháp thông thường, không thể dễ dàng phát hiện thuốc thật, giả một cách chính xác. Kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật - giả của một sản phẩm, nhưng cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả trên thị trường.

Mối nguy hại chưa hồi kết

Theo tìm hiểu của VnBusiness, hệ lụy từ việc sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng không thể coi nhẹ. Khi không nhận được sự điều trị đúng cách, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Chẳng hạn, bệnh nhân ung thư có thể không chỉ không được điều trị mà còn gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng từ thuốc giả, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.

Ngoài ra, khi người bệnh sử dụng thuốc không hiệu quả, vi khuẩn và virus có thể phát triển và trở nên kháng lại các loại thuốc điều trị chính thống, tạo ra "một vòng luẩn quẩn", khi mà việc điều trị cho bệnh nhân trở nên khó khăn hơn và tốn kém hơn.

Thực tế cho thấy, các biện pháp pháp lý hiện có dường như chưa đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng này. Hệ thống quản lý dược phẩm ở nhiều quốc gia vẫn còn nhiều lỗ hổng, và việc phát hiện thuốc giả thường gặp khó khăn. Các cơ quan chức năng cần phải tăng cường sự phối hợp và nâng cao năng lực giám sát để có thể phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Cục Quản lý dược đã yêu cầu các công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối liên quan đến các sản phẩm trên ngừng ngay việc phân phối, lưu hành thuốc; thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng đã mua thuốc dừng phân phối, sử dụng và trả về cơ sở cung ứng. Cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc truy tìm nguồn gốc đối với các sản phẩm.

"Nguồn gốc xuất xứ và chất lượng thuốc trên thị trường phân phối thuốc hiện nay luôn là thách thức đối với toàn hệ thống y tế, các công ty dược phẩm và các nhà thuốc trên toàn quốc. Việc phân biệt sản phẩm chính hãng đạt yêu cầu của cơ quan ban ngành nhà nước có thẩm quyền quyết định đòi hỏi kiểm định và rà soát nghiêm ngặt các thông tin như: nhãn hộp, nhãn lọ, hình ảnh logo thuốc, quy cách, giấy phép đăng ký lưu hành, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, và thông tin nhà sản xuất", Th.s - Bác sĩ Lê Khánh Linh (Bệnh viện Hà Thành, Hà Nội) chia sẻ.

Ông Vương Đình Vũ, đồng sáng lập và Giám đốc Thương mại Công ty TNHH Buymed (thuocsi.vn), nhấn mạnh rằng việc mua bán dược phẩm, dù trực tuyến hay trực tiếp, đều cần các giải pháp để theo dõi và ngăn chặn thuốc giả.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý nhanh chóng và hiệu quả các vi phạm. Thứ hai, các nhà phân phối phải thường xuyên kiểm tra và loại bỏ những sản phẩm không có giấy tờ hợp lệ. Thứ ba, cần hợp tác với các nhà sản xuất uy tín để đảm bảo nguồn cung minh bạch và chất lượng.

Việc chống thuốc giả là trách nhiệm chung của toàn ngành. Người tiêu dùng cần chủ động kiểm tra thông tin và cảnh giác với sản phẩm giá rẻ bất thường. Các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng và liên kết với nhà sản xuất chính hãng để đảm bảo cung cấp thuốc an toàn, hiệu quả và giá hợp lý, góp phần phát triển ngành dược Việt Nam bền vững.

Lê Hồng

Xem thêm tại vnbusiness.vn