Sao Ta ước lãi 300 tỷ đồng năm 2023, dự báo ngành tôm vẫn khó khăn trong nửa đầu 2024

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) cho biết năm 2023 doanh số tiêu thụ đạt 200,6 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước đó và hoàn thành 100% kế hoạch năm.

Như vậy tính riêng tháng 12, doanh thu số tiêu thụ đạt 14,35 triệu USD, tăng hơn 29% so với tháng 12/2022 nhưng thấp nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây.

Doanh số tiêu thụ tháng 12/2023 của Sao Ta thấp nhất trong vòng 7 tháng. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của công ty). 

Năm qua, tôm thành phẩm chế biến đạt 21.198 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ. Tôm tiêu thụ thành phẩm đạt 17.407 tấn, giảm gần 4%.

Nông sản chế biến đạt 1.569 tấn, giảm 21%. Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 1.366 tấn, giảm 24%.

Sao Ta cho biết, nhìn chung năm 2023 có những khó khăn khá nặng nề, tuy hoạt động có giảm về doanh số nhưng cơ bản do giá tiêu thụ trung bình giảm khoảng 10%. 

Ngoài ra, tuy tình hình nuôi tôm cả năm không tốt nhưng vùng nuôi của công ty đã có kết quả khả quan, góp phần giảm giá thành sản phẩm cuối cùng, dẫn đến mức lợi nhuận dự kiến đạt trên 300 tỷ đồng (không công bố trước thuế hay sau thuế). Năm ngoái, Sao Ta có lãi sau thuế 321 tỷ đồng.

Sao Ta cũng nhận định khó khăn đang diễn ra sẽ còn tiếp tục kéo dài, ít ra ở 6 tháng đầu năm 2024. Trước tình hình đó, công ty sẽ biết dự liệu để duy trì nhịp độ hoạt động.

Doanh nghiệp cũng nhận thức vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm Việt từ nguyên đơn bên Mỹ sẽ là thách thức từ năm 2024, khiến công ty phải có sự tính toán trong kinh doanh nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cho mình. Trước mắt công ty sẽ xử lý từng bước theo tiến trình của bên nguyên đơn.

Theo Sao Ta, điểm đột phá năm 2024 đã hình thành từ quý IV/2023 khi công ty triển khai nuôi tôm mùa nghịch. Mục tiêu mới của doanh nghiệp này là mở rộng thị trường lớn bên cạnh Việt Nam.

Trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ thu về 3,38 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, trong tháng cuối năm 2023, sự sụt giảm mạnh mẽ từ các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc bởi biến động kinh tế và tồn kho trước đó tại các thị trường, cộng với sự cạnh tranh của con tôm các quốc gia khác. 

Ông Dương Long Trì, Phó Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam cho rằng, đến nay, sản lượng tôm nuôi khoảng 1,1 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn chỉ dao động từ 3,5 - 4 tỷ USD, trước đây, sản lượng Việt Nam có 700.000 tấn cũng đạt giá trị xuất khẩu tương đương. Vì vậy, cần xem xét giải pháp sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Xem thêm tại vietnambiz.vn