Sao Thái Dương (SJF): Rủi ro cho cá nhân vay

Sao Thái Dương (SJF): Rủi ro cho cá nhân vay

Năm 2023, Sao Thái Dương đặt mục tiêu đạt doanh thu 350 tỷ đồng từ hai lĩnh vực chính là phân bón và sản xuất tre ép công nghiệp (đồ gia dụng, nội thất, ván sàn…), lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng. Mảng phân bón trong nhiều năm qua đóng góp phần lớn vào tổng doanh thu, nhưng giá vốn cao nên lợi nhuận không đáng kể. Do đó, Công ty đặt nhiều kỳ vọng vào mảng tre ép tại BWG Mai Châu.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên tháng 6/2022, Ban lãnh đạo Sao Thái Dương cho biết, trong các năm tới, Công ty dự kiến giảm và dừng thương mại sản phẩm phân bón vì không mang lại lợi nhuận, chuyển sang sản xuất sản phẩm phân bón từ tre có giá trị cao. Công ty còn làm việc với đối tác đến từ Canada để lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm này ở Việt Nam. Còn mảng tre ép, dù mới chiếm 30% doanh thu, nhưng theo định hướng mới và khi thị trường thuận lợi, tổng doanh thu từ BWG Mai Châu có thể lên tới 200 - 300 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, năm 2022, Sao Thái Dương lỗ gần 32 tỷ đồng và trong 9 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt doanh thu 105,6 tỷ đồng, bằng 30% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế âm 6,2 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, tính đến cuối quý III/2023, Sao Thái Dương có khoản phải thu cho vay ngắn hạn trên 396 tỷ đồng (tăng 35,6 tỷ đồng so với cuối năm 2022), với lãi suất từ 7 - 10%/năm, chiếm hơn 37% tổng nguồn vốn. Doanh nghiệp không thuyết minh cụ thể đối tượng vay trong báo cáo tài chính, nhưng tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 có chia sẻ rằng, đó là tiền “chuyển cho cá nhân hoặc công ty con để đặt cọc thu gom đất trước thời hạn ra quyết định chủ trương đầu tư, tránh việc giá đất tăng cao” tại 2 dự án du lịch sinh thái ở Hoà Bình.

Thực tế, từ năm 2021, Sao Thái Dương đã cho Công ty cổ phần Cát Tường Tân Thiên Lạc vay 163 tỷ đồng để thực hiện thu gom đất và giải phóng mặt bằng dự án Khu du lịch sinh thái tại Tân Lạc, Hoà Bình. Sau khi dự án hoàn thành các thủ tục pháp lý, khoản cho vay này sẽ chuyển đổi thành cổ phần góp vốn. Vậy nhưng, cho đến Đại hội cổ đông năm 2023, Sao Thái Dương cho hay, doanh nghiệp vẫn trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng để cấp phép đầu tư cho dự án.

Tính đến cuối quý III/2023, Sao Thái Dương có dư nợ vay ngân hàng hơn 157 tỷ đồng, trong khi có các khoản phải thu cho vay ngắn hạn trên 396 tỷ đồng, chiếm hơn 37% tổng nguồn vốn.

Trong khi đó, các khoản cho vay cá nhân của Sao Thái Dương có xu hướng tăng mạnh, từ 36 tỷ đồng cuối năm 2019 lên 163,83 tỷ đồng cuối năm 2022, mục đích là phục vụ nhu cầu vốn để kinh doanh. Các khoản cho vay này có thời hạn dưới 12 tháng, lãi suất từ 7 - 10%/năm, hầu hết không có tài sản đảm bảo. Nhiều khoản cho cá nhân vay được ký kết bởi 2 công ty con của Sao Thái Dương là Sunstar Ecotech Việt Nam và Sunstar Bamboo Việt Nam.

Tháng 3/2023, Sao Thái Dương thông báo quyết định sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi 2 công ty trên. Đến kỳ báo cáo tài chính quý III/2023, trong danh sách công ty con được hợp nhất, Sao Thái Dương vẫn nắm giữ 93% vốn tại Sunstar Ecotech Việt Nam, nhưng không còn sự xuất hiện của Sunstar Bamboo Việt Nam, trong khi cuối năm 2022, công ty con này có 3 hợp đồng cho các cá nhân vay với tổng số tiền 24,3 tỷ đồng. Đây là rủi ro đối với Sao Thái Dương, vì có khả năng không thu hồi được vốn cho vay từ các cá nhân hay từ Cát Tường Tân Thiên Lạc, nếu dự án Khu du lịch sinh thái không được cấp phép. Mặt khác, Sao Thái Dương có hơn 157 tỷ đồng nợ vay các ngân hàng, tính đến cuối quý III/2023.

Bên cạnh việc kinh doanh sa sút, rủi ro tài chính gia tăng, Sao Thái Dương vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt gần 268 triệu đồng do vi phạm nhiều lỗi về không công bố thông tin và công bố thông tin không đúng thời gian theo quy định trong giai đoạn 2022 - 2023. Cổ phiếu SJF liên tục bị HOSE thông báo xử lý vi phạm về công bố thông tin, thậm chí là quyết định đình chỉ giao dịch từ ngày 13/11/2023.

Một tín hiệu tích cực đối với hoạt động của Sao Thái Dương là ngày 17/1/2024, tại Davos, Thụy Sĩ, Công ty staBOO Holdings AG - công ty con của BARD AG chuyên nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm nội thất cao cấp đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm ép ván dăm và ván ép OSB từ tre tại tỉnh Thanh Hóa.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn