Trải nghiệm mới trong thanh toán

Xu hướng tương lai của ngành ngân hàng là công nghệ số, với những ứng dụng trong phương thức thanh toán như Tap to Pay, Tap to Phone, thanh toán bằng mã QR, ví điện tử, thanh toán di động… cùng các công nghệ số như nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC),... Những công nghệ thanh toán mới góp phần thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trên nền tảng dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, công nghệ thanh toán mới Smile to Pay cho phép nhận diện khuôn mặt để thay thế các bước xác thực thông tin cá nhân được xem là xu hướng thanh toán mới. 

Tại buổi họp báo công bố sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam 2024, ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), cho biết, với công nghệ thanh toán Smile to Pay, ngành ngân hàng triển khai đăng ký tài khoản thẻ với khuôn mặt của khách hàng. Khách hàng khi thanh toán chỉ cần quét khuôn mặt, không cần phải nhập bất kỳ thông tin hay mã pin. Phương thức này vừa mang tính trải nghiệm, vừa đảm bảo an ninh an toàn cho tài khoản của người dùng.

Nguyên Quang Hưng Chủ tịch Napas.jpg
Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT NAPAS. Ảnh: Như Ý

Ông Nguyễn Quang Hưng cho biết, công nghệ này sẽ được NAPAS giới thiệu tại sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam 2024 diễn ra trong hai ngày 5-6/10 tại Hà Nội.

“Bản chất là thẻ thanh toán tích hợp sẵn khuôn mặt, khi thanh toán chỉ việc sử dụng camera để cười trên thiết bị đó và sẽ được chấp nhận thanh toán mà không cần dùng thẻ vật lý. Đây là phương thức thanh toán mới trên thế giới và NAPAS sẽ chính thức triển khai trong thời gian tới”, ông Nguyễn Quang Hưng nói.

Ngoài ra, trên môi trường thương mại điện tử (ecom), các ngân hàng cũng áp dụng triển khai tiêu chuẩn 3DS cho thanh toán thẻ. Khi khách hàng có dữ liệu lịch sử giao dịch tốt, ngân hàng có thể phân tích, so khớp các dữ liệu thanh toán lịch sử, từ đó khách hàng có thể được bỏ qua các bước xác thực OTP.

Hiện nay, thẻ thanh toán đã được số hóa lên trên thiết bị di động, biến chiếc điện thoại thành thẻ thanh toán. Hay công nghệ số hóa thiết bị chấp nhận thanh toán (soft post) cho phép biến điện thoại thông minh thành chiếc máy soft giúp mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán.

Theo số liệu thanh toán của NAPAS trong 6 tháng đầu năm 2024, giao dịch chuyển tiền nhanh 247 qua hệ thống NAPAS tăng trưởng 45% về số lượng giao dịch, tăng 29% về giá trị giao dịch. 

Bên cạnh đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM tiếp tục xu hướng giảm, với mức giảm 23% về số lượng và giảm 22% về giá trị. Điều này cho thấy thanh toán dùng tiền mặt ngày càng bị thu hẹp. 

Đăng ký sinh trắc học sẽ không cần sử dụng NFC

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, vẫn còn khó khăn trong việc thu thập, kiểm tra thông tin sinh trắc học, nhất là với những khách hàng không dùng công nghệ. 

Tuy nhiên, trong các văn bản quy phạm pháp luật, NHNN đã yêu cầu các TCTD xem xét cung ứng dịch vụ hỗ trợ khách hàng tại quầy, hoặc bằng các hình thức thu thập thông tin sinh trắc học khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo về mặt an ninh, an toàn, bí mật dữ liệu cá nhân theo Nghị định 13 của Chính phủ.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN. Ảnh: Như Ý

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai thu thập thông tin sinh trắc học thông qua VNEID, đây là hình thức kiểm tra đối chiếu thông tin sinh trắc học rất tiện lợi, không phải sử dụng NFC hay các phương thức vật lý để đọc dữ liệu, tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân.

“Hiện nay, hầu hết các tổ chức cung ứng dịch vụ đều làm việc với C06 (Bộ Công an) để triển khai giải pháp này. Thời gian tới, khi giải pháp thu thập, kiểm tra thông tin sinh trắc học thông qua VNEID được triển khai đại trà đến tất cả tổ chức cung ứng dịch vụ, các trung gian thanh toán thì những khó khăn gần như sẽ không còn”, ông Phạm Anh Tuấn nói.

Bà Đoàn Hồng Nhung - Thành viên Ban điều hành, Giám đốc khối bán lẻ Ngân hàng Vietcombank - đánh giá, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán số tại Việt Nam thời gian qua đã phát triển mạnh. NHNN cũng kịp thời triển khai, hướng dẫn các ngân hàng thương mại đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán số.

"Ngoài hệ thống thanh toán truyền thống, phương thức thanh toán mới cũng như thanh toán dựa trên dữ liệu lớn, thông tin chung theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 đang tạo ra cú hích lớn với xác thực thanh toán bằng sinh trắc học.

Trong bối cảnh này, những yêu cầu mới mà các ngân hàng thương mại nhận được từ NHNN và NAPAS cũng được thực hiện nhanh chóng", bà Đoàn Hồng Nhung chia sẻ.

Liên quan đến bảo mật thông tin trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, đại diện Vietcombank nhấn mạnh, đây là vấn đề người dùng và cả tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, cơ quan quản lý đặt lên hàng đầu. Ý thức bảo mật cần đến từ nhiều phía, cả người dùng lẫn ngân hàng.

Ngoài ra, bản thân người sử dụng dịch vụ cũng cần cẩn trọng, tỉnh táo đề phòng những hành vi lừa đảo và thực hiện đúng yêu cầu, khuyến nghị của ngân hàng mà mình đang sử dụng.