Sau 3 năm VinFast, Hyundai Thành Công “khai mở” chuỗi giá trị ô tô tại Quảng Ninh: Hàng loạt DN nước ngoài đổ bộ, 5 tháng hút 400 triệu USD vốn FDI

Quảng Ninh đang kỳ vọng sẽ sớm hình thành một trung tâm sản xuất ô tô và các ngành phụ trợ, quy tụ những thương hiệu lớn trong nước và quốc tế.

5 tháng đầu năm, các Khu công nghiệp, Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh (trừ Khu kinh tế Vân Đồn) ghi nhận đã thu hút được hơn 500 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Riêng 4 dự án đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ ngành công nghiệp ô tô chiếm đến 76% tổng vốn FDI thu hút được (384,3 triệu USD).

Cụ thể, dự án của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam (Thụy Điển) tại KCN Sông Khoai có vốn đầu tư 154 triệu USD, sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu. Dự án của Công ty TNHH Samsung Vina (Hàn Quốc) với vốn đầu tư gần 10,3 triệu USD, chuyên sản xuất dây đai an toàn dùng trong ngành công nghiệp ô tô và sản xuất chốt khóa bằng thép của dây đai an toàn.

KCN Bắc Tiền Phong cũng thu hút được 2 dự án phụ trợ ngành công nghiệp ô tô, bao gồm dự án của Boltun Việt Nam (Đài Loan) chuyên sản xuất khóa chốt và các sản phẩm dập định hình, có tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, tổng công suất thiết kế 60.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án còn lại là Nhà máy Sản xuất vành xe bằng hợp kim luyện nhẹ thông minh của Công ty TNHH Xiamen Sunrise Group, vốn đầu tư 55 triệu USD, chuyên sản xuất vành xe cho ô tô, công suất thiết kế 2,5 triệu sản phẩm/năm.

Gần đây, đoàn lãnh đạo Công ty Mitsubishi Corporation cũng đã tới Quảng Ninh để nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư ở một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, năng lượng, đặc biệt là các nhà máy phụ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy…

Trước khi các doanh nghiệp ngành ô tô của nước ngoài đổ bộ về đây, 2 doanh nghiệp Việt Nam là Vingroup và Hyundai Thành Công đã đóng vai trò "khai mở" thị trường vào 3 năm trước.

Vingroup mở căn cứ điểm, chi 3.400 tỷ đồng cho dự án phụ trợ của VinFast

Tháng 6/2020, Vingroup tuyên bố đầu tư trên 3.400 tỷ đồng vào Quảng Ninh để thực hiện dự án sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ xe ô tô cung cấp cho VinFast - nơi đang đặt trung tâm sản xuất tại Hải Phòng, và các doanh nghiệp khác. Theo lộ trình, dự án được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1 (2020 - 2022) sẽ tập trung đầu tư xây dựng dây chuyền phục vụ việc sản xuất linh kiện, phụ kiện, phụ tùng ô tô với công suất dự kiến 500.000 bộ/năm.

+ Giai đoạn 2 (2022-2025) mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện, phụ tùng ô tô và nâng công suất dự kiến là 1.000.000 bộ/năm.

Năm 2022, tại Vịnh Hạ Long, VinFast chính thức ra mắt dòng xe điện đầu tiên. Cùng năm, VinGroup lên kế hoạch đầu tư 2 cụm công nghiệp hơn 140ha. Cụm công nghiệp số 01 phía nam sông Lục Lầm có diện tích 75 ha, còn cụm công nghiệp số 2 có quy mô gần 68 ha.

Hai cụm công nghiệp nằm tiếp giáp nhau cùng địa điểm tại khu 2, khu 7, phường Hải Hòa, TP Móng Cái. Ngành nghề hoạt động chủ yếu là sản xuất, lắp ráp linh phụ kiện, phụ tùng ô tô, sản xuất linh kiện điện tử, sản phẩm hàng tiêu dùng, máy móc, nguyên vật liệu và các ngành công nghiệp khác. Dự kiến, dự án sẽ được xây dựng trong vòng hai năm.

TC Group xây Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô

Sau 3 năm VinFast, TC Group “khai mở” chuỗi giá trị ô tô tại Quảng Ninh: Hàng loạt DN nước ngoài đổ bộ, 5 tháng hút 400 triệu USD vốn FDI - Ảnh 1.

Các vị đại biểu nhấn nút phát tín hiệu bắt đầu lễ động thổ Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng

Không chỉ VinFast, tháng 9/2020, Tập đoàn Thành Công (TC Group) cũng chính thức động thổ dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng được xây dựng trên tổng diện tích 340ha bên bờ vịnh Cửa Lục. Theo Tập đoàn, tương lai của tổ hợp sẽ là nơi thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao.

Được biết, Thành Công khởi đầu ở lĩnh vực công nghiệp ô tô vào năm 1999, đến nay sau hơn 20 năm hoạt động, với đại diện là TC Motor (Hyundai Thành Công), khối ô tô của Tập đoàn là một trong những thương hiệu dẫn đầu thị trường đến nay.

Một nguyên nhân khác khiến Quảng Ninh thu hút FDI, bên cạnh hạ tầng khu công nghiệp, quỹ đất sạch cùng môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng giao thông tại Quảng Ninh cũng dần hoàn thiện.

3 yếu tố quan trọng để thu hút vốn FDI vào ngành công nghiệp ô tô

Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng xe bán ra trong năm 2022 đạt mức kỷ lục 509.141 chiếc. Con số này đánh một dấu mốc mới của nền công nghiệp xe hơi Việt Nam sau 30 năm phát triển.

Trong đó, số lượng lắp ráp trong nước là 226.487 chiếc (tăng 30%), số lượng nhập khẩu là 178.148 chiếc (tăng 37%). Hai đơn vị dẫn đầu có Vinfast với 24.042 chiếc (đã bao gồm EV) và Huyndai với 81.582 chiếc (tăng 15,6% so với năm 2021).

“Việt Nam đang tham gia khá sâu vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đạt mức tăng trưởng 25% hàng năm (từ năm 2020 đến năm 2025). Sự gia tăng này là do nền kinh tế trong nước thúc đẩy nhu cầu và các ưu đãi thuế hỗ trợ cho sản xuất trong nước, thuế nhập khẩu đối với phương tiện nước ngoài và đầu tư vào cơ sở hạ tầng”, ông Nguyễn Thanh Đàm – Chủ tịch VAST Group, chuyên gia phần mềm kỹ thuật ô tô – chia sẻ tại hội thảo trước thềm Triển lãm Thương mại Hàng đầu Khu vực tại Việt Nam về ngành Công nghiệp dịch vụ Ô Tô 2023.

Sau 3 năm VinFast, TC Group “khai mở” chuỗi giá trị ô tô tại Quảng Ninh: Hàng loạt DN nước ngoài đổ bộ, 5 tháng hút 400 triệu USD vốn FDI - Ảnh 2.

"GDP đạt 3.000 USD thì có một bước nhảy trong ngành ô tô, và Việt Nam đã vượt mốc này", ông Nguyễn Thanh Đàm cho biết.

Theo ông Đàm, dòng vốn FDI đổ vào ngành công nghiệp ô tô sẽ nhìn vào 3 điểm quan trọng, bao gồm:

Thứ nhất, cầu cảng hạ tầng.

Thứ hai, dân số. Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng và trẻ. Với tổng số ô tô đang lăn bánh trên cả nước là 5,1 triệu chiếc, trên quy mô dân số là hơn 99 triệu người, Việt Nam đang có chỉ số vàng cho ngành ô tô so với khu vực.

Cuối cùng, GDP đầu người, thể hiện cho sức mua. Điều này đặc biệt quan trọng vì trước khi bán ra ngoài chưa được, doanh nghiệp phải tính đến bài toán bán được trong nước. Theo thống kê, GDP đạt 3.000 USD thì có một bước nhảy trong ngành ô tô, và Việt Nam đã vượt mốc này.

Đặc biệt, đầu năm 2023, thị trường ô tô Việt còn đánh dấu sự dịch chuyển mới khi VinFast chính thức triển khai xe điện.

“Chúng ta đúng là thua Maylaysia, Indonesia… về xe xăng xe dầu, nên không thể đi chậm trong cuộc đua về xe điện. Có thể nói, đến nay Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về xe điện, và Việt Nam có lợi thế sát bên cạnh do đó có nhiều cơ hội để đón đầu. Chính phủ cũng nỗ lực phát triển xe điện, trong đó mục tiêu bảo vệ môi trường chỉ là một phần thôi, xe điện còn là bước đi mang tính làm nên thương hiệu quốc gia”, ông Đàm nhấn mạnh.

Xem thêm tại cafef.vn