Sau cú tăng vượt 26.000 đồng/USD, tỷ giá sẽ lên đến đâu?

Thị trường tiền tệ phản ứng

Ngay sau tuyên bố đanh thép của Tổng thống Mỹ Donald Trump về quyết định áp thuế quan đối ứng với nhiều nước, thị trường tiền tệ toàn cầu bắt đầu “rung lắc” trước lo ngại thuế quan của Mỹ sẽ gây sức ép lên giá trị tiền tệ của nhiều đối tác thương mại.

Các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro như đô la Úc và đô la New Zealand lao dốc, lần lượt giảm 0,5% xuống 0,6268 CAD/USD và 0,26% xuống 0,5730 USD. Trong khi đó, đồng NDT của Trung Quốc chạm mức thấp nhất trong một tháng ngay sau thông báo áp thuế của Mỹ. Đồng peso Mexico cũng giảm 0,25% xuống 20,2520 peso/USD.

Một nghiên cứu của IMF chỉ ra, chính sách thuế quan có thể ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái khi làm thay đổi dòng chảy thương mại và tác động đến nhu cầu về tiền tệ.

Khi một quốc gia áp thuế quan cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ một quốc gia khác, lượng hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia đó sẽ giảm bởi giá cả tăng lên, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước giảm mua hàng từ quốc gia xuất khẩu.

Thị trường tiền tệ toàn cầu bắt đầu “rung lắc” sau tuyên bố đanh thép về thuế quan của ông Trump.

Điều này dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu về đồng tiền của quốc gia xuất khẩu vì trước đây, các doanh nghiệp nhập khẩu cần mua đồng tiền đó để thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu. Khi nhu cầu đối với đồng tiền giảm, áp lực mất giá sẽ xuất hiện, khiến đồng tiền của quốc gia xuất khẩu suy yếu so với đồng tiền của quốc gia nhập khẩu.

Chẳng hạn, nếu Mỹ áp thuế quan lên hàng hóa từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ sẽ nhập khẩu ít hơn từ Trung Quốc, do đó, họ cũng cần ít NDT hơn để thanh toán. Khi nhu cầu về nhân dân tệ giảm, giá trị của nhân dân tệ có thể suy yếu so với đồng USD.

Thực tế, câu chuyện này đã từng diễn ra trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2018. Đây cũng là thời điểm Tổng thống Trump tuyên bố chính quyền sẽ áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu và thuế 10% đối với nhôm nhập khẩu.

Khi Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc, nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc đã giảm. Sự suy giảm này, kết hợp với các yếu tố kinh tế khác, đã dẫn đến sự mất giá của đồng NDT đáng kể so với USD lúc bấy giờ.

Hay mới đây nhất, Canada và Mexico - hai trong số những mục tiêu đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump - cũng đã chứng kiến đồng nội tệ mất giá mạnh so với đồng USD sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế 25%. Đồng đô la Canada giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ, ở mức 1,45 CAD/USD. Cùng xu hướng, đồng peso Mexico cũng giảm xuống gần 21 peso/USD, mức thấp nhất kể từ năm 2022.

Tỷ giá USD/VND tăng đến đâu?

Là một trong 3 quốc gia Đông Nam Á bị áp thuế quan đối ứng cao nhất, tiền đồng của Việt Nam cũng chịu áp lực đáng kể khi các nhà đầu tư lo ngại về sự gia tăng chi phí xuất khẩu và dòng vốn ngoại tệ.

Thực tế, ngay trong phiên sáng 3/4, tỷ giá đã “bốc đầu”, chính thức vượt 26.000 VND/USD – mức cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, tỷ giá trung tâm giữa VND với đồng USD ngày 3/4 được NHNN công bố ở mức 24.854 VND/USD, tăng 3 đồng so với phiên trước đó. Với biên độ 5%, trong phiên ngày 3/4, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD với tỷ giá sàn là 23.611 VND/USD, còn tỷ giá trần là 26.097 VND/USD.

Tỷ giá trung tâm giữa VND với đồng USD ngày 3/4.

Khảo sát vào 11h ngày 3/4, giá USD được các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh tăng. Giá USD trưa nay tại Vietcombank được niêm yết ở mức 25.610 - 26.000 VND/USD (mua – bán), tăng 180 đồng so với phiên trước đó.

Ngân hàng BIDV cũng đưa giá USD lên mức 25.610 - 25.970 VND/USD (mua - bán), tăng 160 đồng. Cùng chung xu hướng, VietinBank nâng USD lên mức 25.637 - 25.997 VND/USD (mua - bán), tăng 208 đồng ở chiều mua và 167 đồng ở chiều bán.

Mức tăng 160 - 180 đồng trong phiên sáng 3/4 là mức biến động mạnh nhất trong hơn 2 tháng qua. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, tỷ giá USD đã tăng tới 1,7%.

Các chuyên gia của VPBankS nhận định, nếu giảm xuất khẩu sang Mỹ sẽ làm giảm nguồn cung USD, trong khi nhu cầu nhập khẩu tăng có thể đẩy cầu USD lên cao. Điều này gây áp lực mất giá lên đồng VND. Nếu NHNN can thiệp bằng cách bán dự trự ngoại hối (hiện khoảng 2,4 tháng nhập khẩu), tỷ giá USD/VND có thể tăng 3 – 5 % trong năm 2025, lên khoảng 26.000 – 226.200 VND/USD.

Trong bối cảnh tỷ giá của các thị trường bị áp thuế đồng loạt mất giá, đồng NDT nếu suy yếu để đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ sẽ càng làm trầm trọng thêm áo lực tỷ giá, buộc NHNN phải điều hành linh hoạt hơn để ổn định thị trường ngoại hối.

Trái lại, ông Phạm Lưu Hưng, Giám đốc SSI Research nhận định áp lực điều chỉnh tỷ giá trong ngắn hạn có thể không quá mạnh bởi đồng VND đã điều chỉnh giảm giá so với USD trong một thời gian dài trước đó, nên đã tạo ra một "bộ đệm" nhất định.

“Mặc dù trong bối cảnh nhiều biến động, tỷ giá vẫn là yếu tố cần theo dõi sát, nhưng NHNN vẫn có khả năng kiểm soát trong ngắn hạn nhờ các công cụ chính sách hiện có”, ông Phạm Lưu Hưng cho biết.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MBS nhận định, áp lực tỷ giá dự báo vẫn sẽ hiện hữu trong năm 2025 khi đồng USD tiếp tục neo ở ngưỡng cao. Nguyên nhân là do Tổng thống Trump liên tục đưa ra những chính sách thuế quan làm tăng rủi ro lạm phát, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất.

Tuy nhiên, các chuyên gia của MBS nhận định tiền đồng vẫn sẽ được hỗ trợ từ mức chênh lệch lãi suất VND – USD đang dần được thu hẹp. Nhờ đó, tỷ giá được kỳ vọng sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 26.000 VND/USD trong năm nay.

Trong khi đó, Chứng khoán Vietcap kỳ vọng dòng vốn FDI mạnh mẽ và sự thu hẹp của thâm hụt thương mại dịch vụ sẽ góp phần hỗ trợ tỷ giá. Tuy nhiên, các chuyên gia VietCap nhấn mạnh, trong bối cảnh môi trường vĩ mô đang từng bước phục hồi nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức như bất ổn địa chính trị và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự linh hoạt trong chính sách điều hành của NHNN là rất cần thiết.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn