Sau kiểm toán, Hòa Bình lỗ thêm 300 tỷ, vốn chủ sở hữu cạn kiệt, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Ngày 30/03/2024, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) đã nộp báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC.
Báo cáo tài chính kiểm toán ghi nhận, doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 7.542 tỷ đồng không có chênh lệch lớn so với báo cáo tài chính tự lập nhưng giảm 47% so với năm trước. Tuy nhiên, lỗ sau thuế sau kiểm toán đã tăng thêm 333 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, ghi nhận con số 1.115 tỷ đồng.
Lỗ lũy kế tính đến thời điểm cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu của Tập đoàn này giảm xuống còn 93 tỷ đồng thay vì 453,6 tỷ đồng như trong báo cáo tự lập và giảm 1.108 tỷ đồng so với con số đầu năm.
Tại báo cáo, kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ về việc Hòa Bình đang trong quá trình làm các thủ tục đảm bảo cho một số khoản tạm ứng để bổ sung các bằng chứng thích hợp và đầy đủ về giá trị có thể thu hồi. Tính đến thời điểm phát hành báo cáo, các công việc nêu trên vẫn đang được thực hiện và chưa hoàn thành, do đó đơn vị kiểm toán chưa thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính hợp nhất có liên quan đến các khoản tạm ứng này hay không.
Kiểm toán cũng chưa thể thu thập được đầy đủ các thư xác nhận về các số dư nợ phải thu và nợ phải trả của các khoản mục sau:
"Do đặc thù của hoạt động sản xuất kinh doanh, Tập đoàn đang ghi nhận doanh thu hoạt động xây lắp căn cứ theo khối lượng do giám sát của chủ đầu tư xác nhận và đơn giá hợp đồng vì Tập đoàn cho rằng doanh thu này được ước tính một cách đáng tin cậy. Tuy nhiên, các hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện do khách hàng xác nhận.
Theo đó, doanh thu được ghi nhận khi có xác nhận của khách hàng (chủ đầu tư) trên các chứng chỉ thanh toán và thể hiện trên các hóa đơn tài chính. Tính đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, chúng tôi chưa có đủ thông tin cần thiết để xác định ảnh hưởng của vấn đề này đến các khoản mục liên quan trên báo cáo tài chính kiểm toán của tập đoàn tại ngày 31/12/2023", Kiểm toán nêu.
Tập đoàn hiện có lỗ lũy kế là 3.240,3 tỷ đồng và một số khoản nợ quá hạn thanh toán. Những dấu hiệu này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết sẽ phát hành thêm cổ phiếu để thanh toán nợ. Công ty đang triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với giá trị phát hành tối đa là 252 triệu cổ phiếu, tổng phát hành theo mệnh giá 2.524,8 tỷ đồng trong đó chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp 220 triệu cổ phiếu để thanh toán nợ vay đối với các tổ chức tín dụng và phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ với các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất của công ty, số lượng phát hành dự kiến là 32,48 triệu cổ phiếu.
HBC mới đây đã phải "quay xe" với Matec. Trong Nghị quyết ngày 24/03/2024, HĐQT Hòa Bình đã chấp thuận việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty tại Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng Matec (gọi tắt là Matec) dù mới nhận chuyển nhượng trở lại hồi 5 tháng trước cũng đúng ngày 24/10/2023.
Matec được HBC thành lập vào năm 2010 nhằm quản lý, khai thác toàn bộ số máy móc, thiết bị của HBC. Trong suốt thời gian là công ty con của với HBC, Matec chỉ tăng vốn một lần vào năm 2010, từ 10 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng.
Việc mua đi bán lại Matec của HBC bắt đầu từ ngày 17/06/2023 khi HĐQT HBC thông qua chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty con này. Đối tác nhận chuyển nhượng là Công ty CP Tập đoàn Ashita (Ashita Group).
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sau đó 10 ngày, Tổng Giám đốc HBC Lê Văn Nam cho biết việc chuyển nhượng Matec nằm trong chiến lược tái cấu trúc tài chính của HBC. Thương vụ chuyển nhượng công ty con Matec và một phần thiết bị đã khấu hao đã giúp HBC thu về 1.185 tỷ đồng để bổ sung vào vốn lưu động.
Tuy nhiên, do đối tác Ashita khó khăn trong việc thu xếp vốn nên quá trình chuyển nhượng này chấm dứt.
Xem thêm tại vneconomy.vn