Sau loạt hành động để đứng dậy, FLC trao gói thầu cho FLC Faros trong các dự án tại Hạ Long và Quảng Bình

Ngày 10/5, tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) đã chấp thuận giao dịch của công ty với CTCP Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS) về gói thầu "Tư vấn quản lý dự án" tại các dự án. Trong đó có quần thể trung tâm hội nghị, khu dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hạ Long (Quảng Ninh), Ngoài ra còn có trung tâm hội nghị, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình và khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2 (Quảng Bình).

Đây là động thái nằm trong một loạt hành động gần đây của FLC nhằm vực dậy doanh nghiệp sau khi cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam năm 2022.

Sau loạt hành động để đứng dậy, FLC trao gói thầu cho FLC Faros trong các dự án tại Hạ Long và Quảng Bình- Ảnh 1.

Cuối tháng 4 vừa qua, FLC cũng thông qua chủ trương đối với phương án huy động nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức để bổ sung hoạt động kinh doanh theo đề xuất của Ban Tổng giám đốc. Theo đó, Ban Tổng giám đốc FLC được giao căn cứ chức năng nhiệm vụ, phân cấp hoặc ủy quyền chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chuyên môn xây dựng, triển khai thực hiện phương án chi tiết về việc huy động nguồn vốn.

Người đại diện pháp luật của tập đoàn hoặc người được ủy quyền chủ trì tổ chức triển khai thực hiện, bao gồm nhưng không giới hạn việc quyết định về thời điểm, số tiền vay phù hợp với nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Ngoài ra, còn được tìm kiếm, lựa chọn quyết định bên cho vay, đàm phán về ký kết hợp đồng, thỏa thuận, tài liệu liên quan đến việc FLC vat vốn từ các đơn vị/cá nhân cho vay và các nội dung khác có liên quan.

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 35 ngày 26/3/2024 của FLC, trụ sở tập đoàn đã chuyển về tầng 5, tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Vốn điều lệ tập đoàn này ở mức 7.100 tỷ đồng nhưng toàn bộ cổ phiếu đã bị đình chỉ giao dịch trên UPCoM. Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Lê Tiến Dũng, Tổng giám đốc FLC.

Năm 2024, tập đoàn vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với ba trụ cột chính: Kinh doanh Bất động sản, Kinh doanh Nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh. Mục tiêu mảng kinh doanh bất động sản đạt doanh số 1.187,2 tỷ đồng, mảng kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng đạt 1.213 tỷ đồng; lợi nhuận đủ để duy trì bộ máy cũng như thực hiện các cam kết với các bên liên quan.

Cụ thể hơn, về lĩnh vực Bất động sản, FLC sẽ tiếp tục triển khai thi công theo cam kết với Khách hàng tại 07 dự án trọng điểm như FLC Premier Parc Thấp tầng, C4C5 Thanh Hóa, Biệt thự Hạ Long, Tropical 1&2, HH1 – HH4. Bên cạnh đó, công ty có kế hoạch triển khai thi công xây dựng thêm 06 dự án Hilltop Gia Lai, Legacy Kon Tum, FLC Sầm Sơn, Sadec, Quy Nhơn và dự án Quảng Bình.

Đồng thời cũng sẽ tiếp tục tái cơ cấu lại tài sản theo hướng giữ lại các tài sản chất lượng tốt, khả năng sinh lời cao; chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư, kinh doanh một số tài sản để đem lại nguồn tài chính.

Về lĩnh vực khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng, FLC sẽ tập trung khai thác vận hành các quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, FLC Sầm Sơn, FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn, khai thác tối đa công suất phòng, đảm bảo dòng tiền huy trì hoạt động của doanh nghiệp; tiến hành tìm kiêm đối tác có tiềm năng, đàm phán phương án hợp tác khai thác vận hành đối với một số hạng mục tại các quần thể.

Xem thêm tại cafef.vn