Sau NVL, HBC, HAG, thêm 6 doanh nghiệp 'hụt lãi' sau kiểm toán, có đại diện giảm tới 875 tỷ đồng

Những trường hợp mới nhất có thể kể đến CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã LTG) “bốc hơi” đến 94% lợi nhuận sau kiểm toán. Cụ thể, con số lợi nhuận chỉ đạt 17 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập ghi nhận 265 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do khoản lãi từ công ty liên kết giảm 315 tỷ đồng đến từ việc loại trừ lãi từ giao dịch giá rẻ.

Tương tự, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (Mã TIP) cũng giảm 21,6 tỷ đồng còn 174 tỷ (tương ứng giảm 11,1%). Giải trình theo báo cáo, công ty cho biết, lợi nhuận sau thuế giảm do công ty hoạch toán thiếu bút toán điều chỉnh hợp nhất khoản cổ tức từ CTCP Thương mại và Xây dựng Phước Tân (công ty liên doanh liên kết).

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (Mã HNG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 với doanh thu 605,6 tỷ đồng và lỗ sau thuế 1.098,5 tỷ. Năm ngoái, HAGL Agrico đạt 741,45 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế hơn 3.576 tỷ.

So với số liệu tại báo cáo tự lập, doanh thu năm 2023 của HNG không thay đổi, song phần lỗ tăng thêm 49 tỷ đồng.

Sau NVL, HBC, HAG, thêm 6 doanh nghiệp 'hụt lãi' sau kiểm toán, có đại diện giảm tới 875 tỷ đồng
Ảnh minh họa

Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã OCB), lợi nhuận sau thuế hợp nhất tại báo cáo tự lập đạt 4.178 tỷ đồng, song đã giảm tới 875 tỷ sau kiểm toán (chỉ còn 3.303 tỷ đồng).

Tại báo cáo kiểm toán, tổng thu nhập hoạt động được điều chỉnh giảm 587 tỷ đồng so với tự lập (chủ yếu giảm phần thu nhập lãi thuần với 525 tỷ đồng). Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng được trích lập cao vọt từ 1.126 tỷ lên 1.627 tỷ - tương ứng tăng gần 45%.

Lãnh đạo OCB cho rằng ngân hàng đã điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu tiền từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hạch toán đủ trong quý I/2024.

Ngoài ra, tình trạng doanh nghiệp "vơi lãi" sau kiểm toán còn ghi nhận ở CTCP Lizen (Mã LCG) - giảm hơn 14% lợi nhuận về mức 101 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Mã NBB) chỉ còn lãi sau thuế 1,1 tỷ đồng (số liệu tại báo cáo tự lập là 8 tỷ).

Trước đó, một số doanh nghiệp như Novaland (Mã NVL), Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC), Đầu tư LDG, Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã TTF), Tập đoàn Kido (Mã KDC), HAGL (Mã HAG)... hoặc ghi nhận lợi nhuận 2023 giảm mạnh hoặc báo lỗ tăng lên, thậm chí chuyển từ lãi sang lỗ.

Sau mùa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, tạm tính Hòa Bình và Gỗ Trường Thành đã có 2 năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ (hiện hữu nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu trên HoSE). Trong khi đó, HAGL Agrico gần như cầm chắc "tấm vé xuống hạng" với 3 năm lỗ ròng.

Sau NVL, HBC, HAG, thêm 6 doanh nghiệp 'hụt lãi' sau kiểm toán, có đại diện giảm tới 875 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình những năm gần đây

Chênh lệch số liệu lợi nhuận giữa báo cáo tài chính do doanh nghiệp niêm yết tự lập và sau kiểm toán đã trở thành câu chuyện khá phổ biến. Tình trạng này tiếp tục tái diễn trong mùa công bố báo cáo kiểm toán 2023 với không ít doanh nghiệp ghi nhận số liệu tài chính “nhảy múa”, trong đó số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm, thậm chí chuyển từ lãi thành lỗ chiếm thế áp đảo hơn.

Ngoài việc số liệu trước và sau kiểm toán không khớp nhau, một vấn đề được nhiều người quan tâm nữa là doanh nghiệp giải thích ra sao về nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch các con số trước và sau kiểm toán.

Nhìn chung, các sai lệch trong báo cáo tài chính do doanh nghiệp tự lập và sau kiểm toán thường xuất hiện những sai sót trong việc ghi chép và trình bày các khoản mục trên báo cáo. Phần nhiều là do chênh lệch quan điểm khác nhau giữa doanh nghiệp với các kiểm toán viên liên quan đến các ước tính kế toán như các khoản dự phòng, khấu hao và phân bổ... Sai sót phổ biến nhất là do nhầm lẫn từ hạch toán số liệu từ các công ty con, công ty liên doanh liên kết của doanh nghiệp làm cho báo cáo tài chính công ty mẹ bị sai theo.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn