Sau 'phản pháo' về việc bị hủy niêm yết bắt buộc, cổ phiếu HBC bất ngờ thoát giá sàn

Tạm chốt phiên sáng 1/8, cổ phiếu HBC tăng lên mức 5.930 đồng/cp với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,4 triệu cổ phiếu.

Tuần trước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã quyết định huỷ niêm yết bắt buộc với cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình do Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2023 âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng.

Trong văn bản sau đó, Xây dựng Hòa Bình cho biết sẽ chuyển gần 347,2 triệu cổ phiếu HBC sang giao dịch tại UPCoM và cam kết sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định, đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của cổ đông. Việc chuyển sàn giao dịch dự kiến hoàn tất trong tháng 8/2024.

Ngay sau đó, cổ phiếu HBC đã giảm sàn 3 phiên liên tiếp, bất chấp cả việc doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quý II có nhiều điểm sáng.

-8962-1722487737.jpg

Cổ phiếu HBC đi ngược thị trường.

Tuy nhiên mới đây, Xây dựng Hòa Bình đã có công văn phúc đáp HoSE về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC.

Theo đó, Xây dựng Hòa Bình khẳng định không đồng ý với các căn cứ HoSE áp dụng để xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC bởi các lý do:

Thứ nhất, Nghị định 155 về hủy niêm yết bắt buộc của Chính phủ không quy định chi tiết về việc xem xét điều kiện lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất hay trên báo cáo tài chính kiểm toán riêng.

Theo Xây dựng Hòa Bình, hiện chưa có bất kỳ văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền nào hướng dẫn áp dụng hay giải thích pháp luật đối với trường hợp này. Đối với Xây dựng Hòa Bình, vốn điều lệ của công ty là hơn 2.741 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế tại báo cáo tài chính kiểm toán riêng năm 2023 là âm 2.401 tỷ đồng và tại báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2023 là âm 3.240 tỷ đồng.

Như vậy, theo doanh nghiệp, tổng số lỗ lũy kế của doanh nghiệp này trên báo cáo tài chính kiểm toán riêng chưa vượt quá số vốn điều lệ của công ty nên không thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết theo quy định.

Thứ hai, việc HoSE căn cứ vào tiền lệ trước đây (lịch sử áp dụng) để xem xét hủy niêm yết cổ phiếu HBC là không phù hợp với pháp luật hiện hành.

Cụ thể, trước đây quy chế niêm yết chứng khoán tại HoSE (năm 2018) có hướng dẫn về việc căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất để xem xét điều kiện lỗ lũy kế đối với tổ chức niêm yết có công ty con, nên các trường hợp tương tự Xây dựng Hòa Bình trong lịch sử bị hủy niêm yết là phù hợp.

Tuy nhiên, ngày 31/3/2022, Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã ban hành quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán mới. Cho nên, việc áp dụng theo quy chế cũ được HBC cho là không phù hợp.

Cũng theo Xây dựng Hòa Bình, việc hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu HBC sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 39.000 cổ đông và hàng nghìn người lao động, đồng thời ảnh hưởng đến hơn 1.400 nhà cung cấp, nhà thầu phụ với hàng trăm nghìn lao động tại các doanh nghiệp này.

Trước đó, Xây dựng Hòa Bình đã thực hiện rất nhiều động thái tái cấu trúc và chuyển mình trước khi bị tuyên hủy niêm yết.

Trong quý II/2024, doanh nghiệp lãi sau thuế hơn 684 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 268 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp lãi 740 tỷ đồng, qua đó kéo giảm lỗ lũy kế đến cuối tháng 6 vừa qua chỉ còn âm 2.498 tỷ đồng.

Cũng tới cuối quý II, doanh nghiệp ghi nhận vốn đầu tư của chủ sở hữu tăng từ mức 2.741 tỷ đồng hồi đầu năm 2024 lên 3.472 tỷ đồng nhờ phát hành thêm và niêm yết 73 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ cho các chủ nợ gồm nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất của công ty.

Như vậy, tính tới cuối quý II, lỗ lũy kế của doanh nghiệp là 2.498 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với vốn điều lệ mới (3.472 tỷ đồng).

Nếu chiếu theo con số mới, cổ phiếu HBC sẽ không còn thuộc diện bị hủy niêm yết bắt buộc.

Tuy nhiên, việc HoSE ra thông báo là dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán (năm 2023) và việc hủy niêm yết là theo quy định (Nghị định 155 của Chính phủ). Số liệu của Xây dựng Hòa Bình tính tới cuối quý II là báo cáo công ty tự lập.

Cú bứt phá lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý II cũng đáng lưu ý. Lợi nhuận kỷ lục trong quý II vừa qua chủ yếu nhờ hoàn nhập dự phòng và thanh lý tài sản. Doanh thu tài chính trong quý II tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ lên 46,2 tỷ đồng, trong đó có 19 tỷ đồng lãi bán các khoản đầu tư.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp được hoàn nhập hơn 220 tỷ đồng chi phí quản lý trong quý II/2024. Cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp ghi nhận chi phí doanh nghiệp gần 528 tỷ đồng.

Trên một diễn biến khác, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM vừa công khai hàng loạt doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH trên địa bàn thành phố. Số liệu chậm đóng BHXH tính đến hết ngày 30/06/2024, cập nhật ủy nhiệm chi đến hết ngày 9/7/2024 cho thấy tổng số nợ BHXH của các doanh nghiệp này lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Đáng lưu ý, danh sách này bất ngờ xuất hiện tên "ông lớn" trong lĩnh vực xây dựng là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình với tổng số tiền nợ BHXH gần 43 tỷ đồng và thời gian chậm đóng BHXH là 12 tháng. Thông tin này khiến nhiều người lo lắng về năng lực tài chính và ảnh hưởng không tích cực đến uy tín của Tập đoàn.

Châu Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn