Sau thương vụ M&A lịch sử với Tasco Auto, lợi nhuận của Tasco ‘cài số lùi’

Theo báo cáo tài chính quý II/2024 của CTCP Tasco (HUT), công ty đạt doanh thu 6.430 tỷ đồng, gấp gần 20 lần cùng kỳ năm ngoái (315 tỷ đồng).

Trong cơ cấu doanh thu của mảng ô tô, Tasco ghi nhận 775 tỷ đồng từ mảng cung cấp dịch vụ, doanh thu này đến từ 86 đại lý cung cấp dịch vụ bảo hành bảo dưỡng.

6 tháng đầu năm, doanh thu của Tasco đạt 11.634 tỷ đồng, gấp 17 lần cùng kỳ năm ngoái (624 tỷ đồng).

-4960-1723085454.png

Lợi nhuận của Tasco lại liên tục đi xuống dù doanh thu vẫn tăng trưởng.

Doanh thu đột biến đến từ việc sáp nhập nhà phân phối ô tô Savico vào Tasco kể từ cuối năm ngoái. Trước đó, mảng kinh doanh truyền thống của Tasco là thu phí không dừng VETC mang lại doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm.

Tháng 8/2023, Tasco hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu hoán đổi với SVC Holdings, qua đó thâu tóm 100% vốn cổ phần của doanh nghiệp này. Khép lại thương vụ MA lịch sử, Tasco đã chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của SVC Holdings từ công ty cổ phần trở thành công ty TNHH một thành viên.

SVC Holdings là đơn vị sở hữu 54,1% cổ phần của CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, mã: SVC) – một trong những doanh nghiệp phân phối ô tô hàng đầu Việt Nam. Như vậy, thông qua SVC Holdings, Tasco sẽ nắm trong tay khoảng 13,5% thị trường phân phối ô tô trên toàn quốc (theo số liệu VAMA 6 tháng 2023). Sau thương vụ MA này, SVC Holdings chính thức đổi tên thành Tasco Auto.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh sau sáp nhập chưa đạt kỳ vọng. Bởi thực tế dù doanh thu đột biến, nhưng lợi nhuận ròng quý II/2024 của Tasco chỉ đạt khoảng 4,7 tỷ đồng, bằng một nửa cùng kỳ - thời điểm chưa sáp nhập Savico.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt hơn 11.600 tỷ đồng, thực hiện được 50% kế hoạch. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ vỏn vẹn 31 tỷ đồng và mới chỉ hoàn thành 14% mục tiêu năm.

Tổng tài sản cuối quý II tăng nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn hơn 2.100 tỷ đồng.

Khoản phải thu ngắn hạn khác tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng, lên 4.200 tỷ đồng, chủ yếu từ bên thứ ba nhưng không được thuyết minh cụ thể. Doanh nghiệp cũng trích lập 156 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.

Nợ phải trả cuối kỳ hơn 15.600 tỷ đồng, trong đó một nửa là các khoản vay nợ ngắn hạn và dài hạn với hơn 8.600 tỷ đồng, giảm không đáng kể từ đầu năm.

Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Chủ tịch HĐQT Vũ Đình Độ cho biết Tasco sẽ tập trung triển khai các giải pháp chiến lược cho những mảng kinh doanh cốt lõi, như gia tăng số lượng showroom và thương hiệu ô tô mới để đáp ứng nhu cầu trong dài hạn của thị trường, phát triển dịch vụ thu phí không dừng, phát triển nền tảng online to offline (O2O) khai thác kinh doanh xe đã qua sử dụng (Carpla)…

Đại hội cũng chấp thuận việc CTCP VII Holding - công ty đầu tư do ông Vũ Đình Độ làm Chủ tịch HĐQT và sở hữu 65% vốn nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số cổ phần Tasco mà các cổ đông thực hiện hoán đổi năm 2023, qua đó sở hữu trên 25% cổ phần mà không cần thực hiện các thủ tục chào mua công khai. Tuy nhiên, đến hết nửa đầu năm 2023, tỷ lệ sở hữu của VII Holding tại Tasco vẫn là 0%.

Trên thị trường, cùng với kết quả kinh doanh kém khả quan, từ giai đoạn cuối tháng 7 đến nay, cổ phiếu HUT điều chỉnh giảm dần. Hiện, HUT đang lùi dần về mức giá 16.000 đồng/cp.

Châu Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn