SCIC bán 10,5 triệu cổ phiếu TTL, giá khởi điểm 222,6 tỷ đồng

Thông báo tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang tìm đơn vị làm đại lý đấu giá bán cổ phần của Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL) do SCIC sở hữu.

Số cổ phần dự kiến bán đấu giá là 10,5 triệu đơn vị, tương đương 25% vốn điều lệ của TTL. Thời gian tổ chức đấu giá là ngày 26/12 tới đây, tại trụ sở HNX.

Đối tượng được tham gia phiên đấu giá là các nhà đầu tư tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại TTL đang ở mức rất thấp, chỉ 0,01%, khá rộng cửa cho khối ngoại tham gia.

Giá khởi điểm được công bố là 222,6 tỷ đồng, tương đương 21.201 đồng/cổ phần. Mức giá này cao gấp 2,7 lần thị giá của cổ phiếu TTL trên thị trường chứng khoán (đóng cửa phiên 4/12 ở mức 7.900 đồng/cổ phiếu).

So với lần đấu giá ở thời điểm hơn 2 năm trước, SCIC đã tăng mức giá khởi điểm thêm 14%. Cụ thể, vào tháng 6/2022, SCIC đã thông báo bán đấu giá toàn bộ 10,5 triệu cổ phiếu TTL với giá khởi điểm 194,6 tỷ đồng, nhưng phải huỷ bỏ do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Ngay sau đó, SCIC tiếp tục tổ chức phiên đấu giá thứ hai, đồng thời đăng ký bán 10,5 triệu cổ phiếu TTL theo phương thức thực hiện ngoài hệ thống. Dù vậy, việc thoái vốn TTL của SCIC vẫn chưa thể thực hiện.

Khác với SCIC, cổ đông lớn khác của TTL là Công ty Cổ phần Tasco (HNX: HUT) lại khá thuận lợi khi “rút quân” khỏi doanh nghiệp này. Sau 2 phiên giao dịch liên tiếp vào ngày 4 và ngày 5/7, Tasco đã thông báo bán thành công lần lượt 1,34 triệu và 14,8 triệu cổ phiếu TTL, giảm tỷ lệ sở hữu từ 38,66% xuống còn 0.

Được biết, giao dịch được thực hiện theo phương thức thoả thuận, giúp Tasco thu về 300 tỷ đồng. Thay thế cho Tasco, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG đã trở thành cổ đông lớn nhất của TTL. Hiện Xây dựng TNG đang nắm giữ hơn 21,1 triệu cổ phiếu TTL, tương đương tỷ lệ 50,5%.

TTL tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long, được thành lập vào ngày 6/7/1973 với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long (1973-1985). Năm 2014, TTL cổ phần hoá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và tiến hành ĐHCĐ lần thứ nhất.

Ngành nghề chính của TTL là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghiệp xây dựng cầu đường. Nhiều dự án tiêu biểu của TTL có thể kể đến như cầu Kiền, cầu Sông Gianh, Cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, cầu Hoàng Long, cầu đường sắt, cầu Pá Uôn, đường cao tốc Sài gòn-Trung Lương, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Quốc lộ 3, các nút giao cầu vượt thép tại TP. Hà Nội và TP. HCM,…

Theo bản công bố thông tin hồi năm 2022, TTL nắm quyền quản lý một số khu đất với diện tích lớn tại Hà Nội như khu đất 645,2m2 tại số 72 Nguyễn Chí Thanh (phường Láng Thượng, quận Đống Đa), khu đất 11.400 m2 tại đường Phạm Văn Đồng (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm), 4.040 m2 đất tại đường Tân Xuân (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm); 1.127,8 m2 đất tại đường Phạm Văn Đồng (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm), khu đất 9.656,26 m2 tại xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh).

Luỹ kế 9 tháng năm 2024, doanh thu thuần của TTL đạt 1.364 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Giá vốn neo cao làm lợi nhuận gộp “quay đầu”, giảm 13%.

Trừ đi các chi phí, TTL báo lãi sau thuế 10,7 tỷ đồng, thấp hơn 42% mức thực hiện cùng kỳ bất chấp doanh thu ghi nhận tăng mạnh.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn