SCIC sắp bán 79,2 triệu cổ phiếu SEA, 'cá mập' nào sẽ tiếp quản doanh nghiệp từng là anh cả ngành thủy sản?
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới đây công bố danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2024 bao gồm 27 doanh nghiệp. Nổi bật trong số này có Tổng CTCP Thuỷ sản Việt Nam - Seaprodex (Mã SEA - UPCoM).
Theo kế hoạch, SCIC sẽ đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thoái hơn 79,2 triệu cổ phiếu SEA (tương đương 63% vốn) trong thời gian tới.
Seaprodex được thành lập từ năm 1978 - từng là "anh cả" ngành thủy sản trước khi bị Vĩnh Hoàn (VHC), Minh Phú (MPC) hay IDI vượt mặt |
Seaprodex hiện có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng, vốn hóa thị trường gần 3.900 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có ngành nghề kinh doanh chính liên quan đến các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản, cùng với một số mảng khác như thức ăn chăn nuôi, bất động sản...
Ngoài hoạt động cốt lõi, Seaprodex còn được nhắc đến như doanh nghiệp sở hữu nhiều đất vàng với khu đất trụ sở chính nằm tại số 2-4-6 Đồng Khởi, Quận 1, TP. HCM. Tổng Công ty còn có ghi nhận xây dựng cơ bản dở dang là mua quyền sử dụng đất khách sạn Blue Sapphire Resort Vũng Tàu, dự án số 2 Ngô Gia Tự - Hà Nội...
Giai đoạn cuối năm 2023, cổ phiếu SEA bất ngờ nổi sóng với sự xuất hiện của CTCP Nova Hospitality - công ty con của CTCP Tập đoàn Novaland (NVL). Những tưởng công ty sẽ đón thêm một cổ đông chất lượng, tuy nhiên đây thực chất là pha "lướt sóng" của doanh nghiệp họ Nova sau khi "lướt sóng" 18 triệu cổ phiếu SEA với khoản lãi hàng chục %.
>> Lướt sóng 18 triệu cổ phiếu SEA, công ty con của Novaland (NVL) lãi ngay 50% sau nửa tháng
Trong cơ cấu cổ đông hiện tại, ngoài SCIC nắm 63% vốn, Seaprodex còn một cổ đông lớn khác là HDCapital với tỷ lệ sở hữu 14,4%.
Với cơ cấu sở hữu cô đặc, cổ phiếu SEA không nhận được nhiều sự chú ý từ thị trường, thanh khoản trung bình chỉ đạt hơn 4.100 cp/phiên. Giá cổ phiếu hiện giao dịch tại mức 31.x đồng.
Về kết quả kinh doanh, với sự hiện diện của phần vốn góp Nhà nước, tình hình kinh doanh của "ông lớn" thủy sản một thời trong nhiều năm qua luôn duy trì mức ổn định với lợi nhuận trung bình năm đạt từ 200-280 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Seaprodex 4 năm gần nhất |
Thời điểm cuối năm 2023, quy mô tài sản của công ty chỉ ở mức 2.573 tỷ đồng - con số khá khiêm tốn so với mức 11.800 tỷ đồng của "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn, mức gần 10.200 tỷ đồng của "vua tôm" Minh Phú hay mức 8.276 tỷ đồng của thủy sản IDI.
Điều tích cực là nợ phải trả của SEA giảm mạnh hơn 50% còn 250 tỷ đồng.
Năm 2023, bức tranh kết quả kinh doanh xấu hơn nhiều so với dự kiến của hầu hết các doanh nghiệp thủy sản. Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước năm qua chỉ đạt 9 tỷ USD - giảm 18% so với năm 2022, tức giảm khoảng 2 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực của Việt Nam (bao gồm tôm, cá tra, cá ngừ…).
Sau năm 2023 nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp thủy sản và giới phân tích đều có cái nhìn thận trọng về quá trình hồi phục của ngành trong năm 2024. Ông Trần Nhật Trung, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán ACBS cho rằng, ngành thủy sản Việt Nam nhìn chung vẫn tiếp tục đối mặt với các khó khăn, song lợi nhuận có thể tăng trưởng nhẹ so với năm 2023.
Với việc SCIC bắt đầu kế hoạch thoái vốn, Seaprodex hoàn toàn có thể trở thành "miếng bánh ngọt" cho một cổ đông lớn tiềm năng nào đó hoặc không.
>> 'Cá tra hóa rồng', VCBS Research gọi tên 3 cổ phiếu thủy sản tiềm năng tăng giá gần 40%
Xem thêm tại nguoiquansat.vn