SCIC thoái sạch 30% vốn, chuyển dịch lớn trong cơ cấu cổ đông Vinacontrol

Sáng ngày 15/1/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức phiên đấu giá cổ phần Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacontrol (VNC) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu theo hình thức đấu giá trọn lô. 

Phiên đấu giá cổ phần Vinacontrol cũng là phiên đấu giá đầu tiên của năm 2024 được tổ chức tại HNX.

Việc thoái vốn của SCIC tại VNC nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ tại QĐ số 1001/QĐ-TTg ngày 10/07/2017 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020.

Toàn bộ 3,15 triệu cổ phần đưa ra đấu giá, tương đương 30% vốn điều lệ của Vinacontrol và 100% vốn góp của SCIC tại Vinacontrol đã được đấu giá thành công. Giá trúng là 171,71 tỷ đồng, cao hơn 35 triệu đồng so với giá khởi điểm. Phiên đấu giá chỉ thu hút vỏn vẹn 2 nhà đầu tư, bao gồm một nhà đầu tư tổ chức và một nhà đầu tư cá nhân. Đây cũng là số lượng nhà đầu tư tối thiểu để cuộc đấu giá có thể diễn ra.

Với giá đấu cao hơn, toàn bộ 30% vốn Vinacontrol đã về tay nhà đầu tư cá nhân. Nhiều khả năng số cổ phần trên đã được chuyển nhượng cho ông Phan Văn Hùng - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc công ty. Trước đó, vào ngày 9/1, ông Hùng đã đăng ký mua cũng chính là lượng SCIC bán đấu giá.

Trước đó, Vinacontrol cũng đã ghi nhận sự chuyển dịch đã chú ý trong cơ cấu cổ đông khi công ty cổ phần Chứng khoán Asean đã bán toàn bộ 1,25 triệu cổ phiếu, tương đương 11,95% vốn điều lệ doanh nghiệp này. Giao dịch được hoàn tất vào ngày 10/1 vừa qua. Chứng khoán Asean  hiện không còn là cổ đông của Vinacontrol. Ở chiều ngược lại, sau khi mua thêm 567.900 cổ phiếu VNC hôm 22/12, Công ty TNHH Doha Đầu tư tăng sở hữu từ 18,67% lên 24,08%.

Hiện tại, vốn điều lệ thực góp của Vinacontrol đạt gần 105 tỷ đồng. Trong đó, số cổ phần đang lưu hành là 10.499.560 cổ phần và 395 cổ phiếu quỹ. Sau những chuyển động trên, hiện có tới 54,08% cổ phần của Vinacontrol tập trung ở hai cổ đông. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay chỉ là 1,597% vốn điều lệ.

Vinacontrol là tổ chức giám định đầu tiên tại Việt Nam với thị phần tương đối lớn, đặc biệt là trong phân khúc giám định hàng hóa. Bên cạnh đó, công ty này còn duy trì được sự ủy quyền kiểm tra Nhà nước, chỉ định tổ chức đánh giá chứng nhận sản phẩm, tổ chức thử nghiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Vinacontrol sở hữu 3 công ty con và 1 công ty liên kết; trong đó tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP.HCM là 100%.

Năm 2022, công ty  ghi nhận doanh thu thuần hơn 635,5 tỷ đồng, tăng hơn 7,7% so năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 37,6 tỷ đồng, tăng hơn 23,1% so với năm trước. Lũy kế 9 tháng năm 2023, công ty đạt doanh thu thuần hơn 511 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 29 tỷ đồng, tăng lần lượt 12,6% và 5% so cùng kỳ năm 2022.

Trước đây, Vinacontrol luôn chiếm ưu thế trên thị trường giám định hàng hoá nhờ lợi thế doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, khi Nhà nước cho phép các tổ chức giám định nước ngoài và các công ty tư nhân trong nước tham gia thực hiện dịch vụ giám định, Vinacontrol đã không còn vị thế độc quyền, kéo theo những thay đổi trong kết quả kinh doanh. Đây cũng là một phần lý do khiến biên lợi nhuận càng ngày bị thu hẹp, từ mức 17,6% năm 2006 xuống còn 5,9% năm 2022.Lũy kế 9 tháng 2023, con số này chỉ còn 5,7%. Do đó, Công ty đặt mục tiêu đảm bảo tốc độ tăng trưởng chỉ 2 - 3%/năm, tổng lượng khách hàng phục vụ trong năm tăng 5%.

Xem thêm tại baodautu.vn