SCMP: BRICS có sức mạnh thay đổi trật tự thế giới nhưng đối mặt rủi ro lớn bởi 1 thực tế về Trung Quốc
BRICS có thể thay đổi trật tự thế giới
Theo chuyên gia phân tích Anthony Rowley trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), hơn 40 quốc gia đã chính thức đăng ký hoặc bày tỏ nguyện vọng tham gia BRICS, có thể kể tới những cái tên như Saudi Arabia, Iran, Argentina, UAE và Indonesia.
Vào năm 2009, khi BRIC ra đời mà chưa có Nam Phi, khối này được đánh giá là quá đa dạng về kinh tế và phân tán về địa lý nên không thể phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, dường như chính sự đa dạng đó đã hướng BRICS tới một viễn cảnh mang tính toàn cầu hơn so với các khối khác trong khu vực.
BRICS đã trở thành một cực nam châm tự nhiên vì trọng tâm chính sách của khối là thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và quản trị toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính. Theo ông Rowley, sức hấp dẫn của BRICS – với tư cách là lực lượng cân bằng trong các vấn đề thế giới – đang ở mức cao nhất mọi thời đại.
Một chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, BRICS " có thể phát triển để trở thành đối trọng với Nhóm G7 trong các vấn đề thế giới, từ đó tác động sâu sắc tới quan hệ quốc tế ".
Các nền kinh tế BRICS đã phát triển nhanh chóng và trở nên nổi bật, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ đang nổi lên như những "người chơi lớn" trên sàn kinh tế toàn cầu. BRICS được dự đoán sẽ chiếm 45% GDP toàn cầu vào năm 2030 nếu xét theo chỉ số sức mua tương đương (PPP). Trong năm 2022, khối này đã chiếm khoảng 31,7% GDP của thế giới, trong khi đó G7 chiếm 30%.
Theo ông Rowley, từ những con số này, không ai có thể coi thường thách thức mà BRICS mang lại đối với trật tự kinh tế đã được thiết lập trên thế giới. Đó "không hề là một trò đùa".
Cùng bàn về chủ đề này, tờ Gulf News nhận định BRICS có thể thiết lập trật tự kinh tế mới và xây dựng trật tự quốc tế công bằng hơn.
Các thành viên được kết nạp thêm sẽ củng cố sự hiện diện toàn cầu của BRICS, đặc biệt nếu UAE và Saudi Arabia hoàn tất tham gia. Kể từ khi thành lập, BRICS đã đạt được một số thành công đáng chú ý như thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) vào năm 2014, cung cấp tài chính cho các dự án phát triển bền vững và cơ sở hạ tầng của các nước thành viên BRICS, cùng một số quốc gia đang phát triển khác.
Bên cạnh đó, khối này đã khởi động Quan hệ đối tác về Cách mạng công nghiệp mới (PartNIR) vào năm 2018, nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác đổi mới, kinh tế kỹ thuật số, công nghiệp hóa và phát triển kỹ năng giữa các quốc gia thành viên.
Ngoài khía cạnh kinh tế, khối BRICS mở rộng (hay BRICS+) cũng sẽ chứng tỏ được mình là khối chính trị hùng mạnh.
Vào thời điểm đang có nhiều lời chỉ trích rằng các nước phương Tây thất bại trong việc tạo ra trật tự kinh tế công bằng hơn thì BRICS+ có thể giải quyết một số thách thức ở đây. Khối này đang tích cực tăng cường tiếng nói và ảnh hưởng của mình trong quản trị toàn cầu và tại các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc, G20, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Các quốc gia BRICS có thể tạo áp lực để đưa các nhóm đối thủ, như G7 (đại diện chủ yếu cho Bắc Mỹ và châu Âu) vào bàn đàm phán nhằm bắt đầu cải cách trật tự kinh tế và chính trị toàn cầu hiện nay.
BRICS đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc
Mặc dù BRICS đang tạo ra ảnh hưởng lớn đối với trật tự thế giới nhưng Nicholas Spiro - chuyên gia về các nền kinh tế phát triển và mới nổi tại công ty tư vấn địa ốc và vĩ mô Lauressa Advisory (Anh) - phân tích trên SCMP rằng khối này đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo ông, vai trò áp đảo của Trung Quốc sẽ khiến kế hoạch mở rộng của BRICS và thậm chí sự tồn tại của khối gặp rủi ro.
Hiện tại, BRICS không chỉ thu hút mong muốn gia nhập ngày càng tăng từ các nước đang phát triển, mà còn nuôi dưỡng các kế hoạch tham vọng. Tổng thống Brazil Lula da Silva đã thúc giục khối thiết lập đồng tiền chung để đánh bại sự thống trị của đồng đô la Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Spiro, những động thái thách thức nhằm vào Mỹ không thể khỏa lấp việc BRICS thiếu đi sự phối hợp trong chính sách để tăng cường sức mạnh tập thể và ảnh hưởng của khối trên phạm vi toàn cầu.
Đáng nói, nguồn gốc của sự thiếu gắn kết này lại là do sự vượt trội của Trung Quốc – thành viên BRICS duy nhất đã đạt được bước tiến trên con đường hội tụ với thế giới phát triển bằng cách trở thành nền kinh tế dựa trên nền tảng tri thức và dữ liệu.
Cổ phiếu của Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng gần 30% trong MSCI Emerging Markets Index (Chỉ số MSCI khu vực thị trường mới nổi), cao hơn gấp đôi so với Ấn Độ. Trong khi đó, tỷ trọng của Brazil ở đây chỉ là 5,5%. Thế nhưng, uy thế của Trung Quốc sẽ không phải là vấn đề chướng ngại nếu nước này không khoét sâu các "vết nứt" địa chính trị trong BRICS.
Tổ chức tư vấn Ciuriak Consulting nhận định, sự phục hưng chính trị gần đây của BRICS phần lớn dựa vào mục tiêu mà họ đang chống lại, đó là quyền bá chủ của Mỹ. Ý tưởng về việc đưa BRICS trở nên đa cực đã tạo cơ sở cho sự thống trị kinh tế của Trung Quốc trong khối.
Sự cạnh tranh gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh để giành ưu thế về công nghệ và kinh tế đã góp phần làm suy giảm mạnh thiện cảm đối với thị trường mới nổi.
Quan trọng hơn cả, sự leo thang trong căng thẳng Mỹ-Trung đã làm lộ rõ những ưu tiên chiến lược khác nhau của các thành viên trong khối. Nó không chỉ khiến Brazil và các thành viên khác của Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) khó đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU), mà còn làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong bối cảnh New Delhi đang tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ.
Sự khác biệt giữa các thành viên trong khối rõ ràng cũng đang tạo trở ngại cho việc thiết lập loại tiền tệ chung.
Tuy nhiên, ông Spiro cho rằng, dù các thành viên BRICS có khác biệt lớn tới mức nào về cơ cấu thương mại, thành tích kinh tế hay mức độ cởi mở thì vẫn có một kết quả chắc chắn rằng: Bất cứ loại tiền tệ chung mới nào của khối này cũng sẽ bị thống trị bởi đồng Nhân dân tệ - "đồng tiền BRICS" duy nhất đạt được tiến bộ trên con đường trở nên quốc tế hóa hơn.
Xem thêm tại cafef.vn