'Sếp' VinaCapital: Khối ngoại sẽ quay lại mua ròng
VN-Index đã kết thúc tuần giao dịch thứ 3 của năm 2024 ở mốc 1.181,5 điểm, mức cao nhất trong vòng 4 tháng qua. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng với quy mô hơn 586 tỷ đồng trên HOSE, tập trung ở nhóm ngân hàng, bán lẻ, thép.
Thống kê cho thấy cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới Di động dẫn đầu danh mục mua ròng của khối ngoại với quy mô 548 tỷ đồng. Bên cạnh đó nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng nằm trong danh mục rót ròng như STB (273,2 tỷ đồng), VCB (202,8 tỷ đồng), VPB (164,3 tỷ đồng), BID (124,6 tỷ đồng), CTG (56,9 tỷ đồng). Ngoài ra, dòng tiền nước ngoài còn tìm đến HPG (206 tỷ đồng), VHM (132 tỷ đồng), VCG (101 tỷ đồng).
Động thái trên của nhà đầu tư nước ngoài kéo theo nhiều kỳ vọng trên thị trường khi họ đã bán ròng hơn 19.500 tỷ đồng vào năm ngoái.
Bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng giám đốc khối Đầu tư Chứng khoán VinaCapital, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đặt niềm tin vào khả năng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời đánh giá cao sự ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam, sự gia tăng về thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu người dân, đặc biệt là khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong 2-3 năm tới.
"Nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào TTCK Việt Nam có thể lên tới 5-8 tỷ USD. Nhìn vào các quốc gia đã từng được nâng hạng TTCK, thông thường dòng vốn cả trong và ngoài nước sẽ đổ vào mạnh mẽ trong vòng 1-2 năm trước thời điểm được nâng hạng chính thức", bà Nguyễn Hoài Thu nói.
Cùng chung quan điểm, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS nhận định từ quý I/2024 khối ngoại sẽ quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam để đón đầu làn sóng nâng hạng.
"Kênh đầu tư chứng khoán có thể thu hút mạnh mẽ dòng tiền và chỉ số VN-Index có thể tăng vượt lên khu vực 1.250 – 1.350 điểm trong năm 2024", ông Khánh nói.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho biết thêm, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 có lẽ một phần sẽ nhờ vào đẩy mạnh hoạt động xây dựng, xây lắp các công trình giao thông, hạ tầng, các dự án trọng điểm quốc giá từ ngân sách nhà nước. Thanh khoản, các nút tắc nghẽn dòng vốn trên thị trường tài chính, thị trường bất động sản đang dần được tháo gỡ và có những bước tiến quan trọng. Do vậy, môi trường đầu tư trở nên khả quan hơn không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước và kể cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong kịch bản tích cực, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết dòng vốn ngoại sẽ tăng mua ròng 700 triệu USD với các yếu tố hỗ trợ bao gồm tình trạng chênh lệch lãi suất giữa USD và VND dần được thu hẹp khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thực hiện giảm lãi suất. Bên cạnh đó, kịch bản này có thể được hỗ trợ bởi tiến trình nâng hạng thị trường mới nổi sơ cấp do FTSE Russell đánh giá có các tín hiệu tích cực và nhà đầu tư Thái Lan dần hoạt động tích cực trở lại sau khi quy định thuế mới có hiệu lực từ năm nay.
Xem thêm tại nhadautu.vn