Sếp Vinamilk: ‘Đầu tư cổ phiếu công ty sữa hãy yên tâm’
Tại “Diễn đàn CEO: Phá vỡ rào cản và mở rộng thị trường ngành F&B” do Thời báo kinh tế Sài Gòn tổ chức, ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) chia sẻ thị phần công ty đang đứng đầu thị trường, gấp 4 lần đối thủ đứng thứ 2. Theo nhiều tổ chức quốc tế, đây là tỷ lệ an toàn nhưng Vinamilk luôn tâm niệm làm tốt không có nghĩa sẽ vĩ đại trong tương lai, còn đó rất nhiều thách thức.
Theo ông Trí, ngành sữa những năm gần đây chững lại, không chỉ bởi vì kinh tế khó khăn sức mua suy giảm mà còn cạnh tranh khốc liệt, nhiều sản phẩm thay thế, người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao, càng phân mảnh.
“Ngày trước khi làm marketing có thể đưa ra 1 thông điệp cho tất cả mọi người nhưng ngày nay mỗi người một yêu cầu nên để đáp ứng tất cả khó khăn hơn”, lãnh đạo Vinamilk nói.
Bên cạnh đó, sự phát triển của kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi), họ có thể phát triển các “nhãn hàng riêng” gây áp lực cho nhà sản xuất, tăng chi phí hoa hồng. Quy định/tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường xuất khẩu lớn về phát triển bền vững. Những biến động khó lường của thị trường thế giới ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vinamilk cũng nhìn ra rằng nhu cầu sữa rất lớn khi mà mỗi năm Việt Nam có thêm 1,5 triệu trẻ em, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ngày càng tăng, sau dịch COVID-19 người tiêu dùng quan tâm hơn nữa đến sức khỏe và dinh dưỡng, khoảng cách tiêu thụ sữa giữa nông thôn và thành thị còn rất lớn, tỷ lệ tiêu thụ sữa/đầu người tại Việt Nam ở mức thấp so với các nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore.
“Dư địa tăng trưởng còn lớn nên nhà đầu tư khi đầu tư cổ phiếu công ty sữa hãy yên tâm”, ông Trí nói.
Vinamilk cho rằng kinh tế khó khăn, sức mua giảm chỉ trong ngắn hạn, công ty đã và đang chuẩn bị cho tăng trưởng trong tương lai. Việc tái định vị thương hiệu năm 2023 là bước bản lề của giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Vinamilk là thương hiệu lâu năm, quốc dân. Do vậy, thách thức của công ty chính là sự phân cực, phân mảnh ngày càng lớn giữa phân khúc phổ thông và phân khúc cao cấp, đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc mang tính cá nhân hóa nhiều hơn. Chính vì thế, công ty phải làm sao để một thương hiệu quốc dân dành cho tất cả mọi người nhưng cũng phù hợp với một số đối tượng đòi hỏi cao cấp hơn.
Ngoài ra, dịch bệnh khiến thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi, thích mua sắm trực tuyến, nấu nướng pha chế tại nhà… Giới trẻ có xu hướng chữa lành, đi đến câu lạc bộ để học nấu nướng, pha chế về nhà tự làm bánh để giảm áp lực. Xu hướng thích trải nghiệm, sống xanh, phát triển bền vững. Do vậy, trong khi sữa nước, sữa trẻ em tăng trưởng âm thì sữa đặc tăng trưởng 2 chữ số. Vinamilk nhận ra được những thay đổi này và tìm cách khai phá nhóm khách hàng mới.
Nhìn lại, doanh thu công ty sữa chững lại trong 3 năm qua và lợi nhuận đi xuống. 9 tháng 2023, doanh thu đi ngang ở mức 44.750 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm nhẹ xuống 6.548 tỷ đồng.
Về diễn biến cổ phiếu, sau khi đạt đỉnh cuối 2017 thì VNM bắt đầu xu hướng giảm. Hiện cổ phiếu giao dịch ở 67.900 đồng/cp, giảm 15% so với vùng giá tháng 9/2023.
Xem thêm tại nhadautu.vn