SHB muốn chuyển nhượng SHB Campuchia và bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại

SHB-2024

ĐHĐCĐ thường niên SHB 2024. Ảnh: NT

Ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 và kế hoạch chia cổ tức.

Chia cổ tức 16%: 5% tiền mặt và 11% cổ phiếu

Theo đó, Đạị hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.286 tỷ đồng, tăng 22,2% so với mức thực hiện của năm 2023. Tổng tài sản dự kiến sẽ tăng 11,2%, lên 701.000 tỷ đồng; trong đó tổng dư nợ cấp tín dụng tăng 14%, đạt 518.555 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Đại hội cũng thông qua kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 16%, trong đó có 5% bằng tiền mặt, 11% bằng cổ phiếu. Dự kiến SHB sẽ dùng 5.859 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, trong đó, 1.831 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt và 4.028 tỷ đồng để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, dự kiến vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên 40.657 tỷ đồng.

Đại hội thông qua miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT với ông Đỗ Đức Hải (Phó Chủ tịch HĐQT) và ông Haroon Anwar Sheikh (Thành viên HĐQT độc lập). Sau khi miễn nhiệm 2 thành viên, HĐQT SHB còn 6 thành viên, gồm: Ông Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch HĐQT); Ông Đỗ Quang Vinh, Phó Chủ tịch HĐQT; Ông Thái Quốc Minh; Bà Ngô Thu Hà; Ông Nguyễn Viết Dần; Ông Đỗ Văn Sinh (Thành viên độc lập). 3 thành viên BKS gồm: Ông Phạm Hoà Bình; Bà Lê Thanh Cẩm; Ông Vũ Xuân Thuỷ Sơn.

Tỷ lệ nợ xấu 2,7%

Trao đổi tại phiên thảo luận, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng năm 2023 là 2,7%, cổ đông cho rằng con số này cao. Tuy nhiên, đây là số phản ánh đúng thực trạng tình hình kinh tế thế giới, trong nước và hoạt động của doanh nghiệp. Dù tỷ lệ cao nhưng ngân hàng vẫn đảm bảo kiểm soát tốt và tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

"Từ nay tới hết tháng 9 ngân hàng đã có chương trình cụ thể về xử lý nợ xấu từ hội sở tới chi nhánh, đồng hành với từng khách hàng để có giải pháp phù hợp nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu SHB xuống dưới 2%", ông Hiển nói.

Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 22% có khả thi?

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cho biết, kế hoạch kinh doanh này được đặt ra dựa trên tiềm năng khách hàng và tiềm năng thị trường. Cùng với đó là kế hoạch đa dạng hoá sản phẩm, giảm chi phí vốn đầu vào, cơ cấu lại nguồn vốn, kỳ hạn vốn, đầu tư hệ thống, gia tăng thu nhâp từ phi tín dụng như ngoại tệ của Ban điều hành. Đặc biệt, ngân hàng sẽ giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tập trung xử lý nợ xấu.

Theo đó, tính đến 31/3/2024, lợi nhuận của ngân hàng đã đạt 4.017 tỷ đồng (tương đương 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm).

Chia cổ tức tiền mặt trước, tăng vốn sau

Về kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 5% và cổ tức bằng cổ phiếu 11%, ông Hiển đồng ý với đề xuất của cổ đông, sẽ ưu tiên chia cổ tức bằng tiền mặt trước, sau đó chia bằng cổ phiếu nhưng kế hoạch này sẽ phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước trước khi thực hiện.

do-quang-hien-shb

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB trả lời câu hỏi cổ đông. Ảnh: NT

Năm nay khởi công xây trụ sở chính tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Hàng Bài - Vọng Đức 

Về trụ sở mới của SHB, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển chia sẻ, SHB đã có khu đất kim cương mua cách đây 10 năm tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Hàng Bài - Vọng Đức. Ngân hàng đang làm thủ tục, cơ bản các bước tiến độ đã được cơ quan quản lý đồng thuận, dự báo trong năm nay sẽ hoàn tất thủ tục, khởi công. Diện tích của khu đất là 2.200m, 3 mặt phố, đất thổ cư, đất ở lâu dài. Tiến độ xây dựng 3 năm SHB sẽ có trụ sở mới, xứng tầm.

Tỷ lệ cho vay BĐS 16%

Chia sẻ quan điểm về khẩu vị tín dụng ngân hàng, ông Hiển cho biết, tập đoàn Tân Long là khách hàng lớn của SHB hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, lương thực, chăn nuôi. Tân Long là tập đoàn có hệ sinh thái quy mô lớn, trải dài khắp cả trong nước và nước ngoài. 

Về lĩnh vực bất động sản (BĐS), Chủ tịch SHB cho biết, tỷ lệ cho vay BĐS của ngân hàng là 16%. Về trái phiếu, SHB tự tin là tỷ lệ trái phiếu rất thấp và trái phiếu đúng mục đích sử dụng, có tài sản bảo đảm.

"SHB luôn luôn quan tâm trước trong và sau cho vay. Khi phê duyệt khoản vay, vấn đề quan tâm đầu tiên là phương án khả thi, thứ 2 là dòng tiền, thứ 3 là tài sản nên các khoản nợ xấu của SHB đều có tài sản đảm bảo. SHB đang tổ chức tập trung các tổ chuyên trách từ hội sở tới chi nhánh để xứ lý nợ xấu. Vì vậy, trọng điểm của năm nay bên cạnh chiến lược kinh doanh là tập trung cấu trúc tài sản, xử lý nợ. Khi các khoản đã trích lập ngoại bảng được xử lý ổn sẽ tăng thu nhập cho ngân hàng. Có thể nói, SHB có những tiềm năng chưa khai thách từ tệp khách hàng tới sản phẩm công nghệ đến xử lý nợ xấu", ông Hiển nói.

Thoái vốn SHB Lào, tìm kiếm đối tác cho SHB Campuchia, bán vốn cho nước ngoài

Trả lời câu hỏi liên quan tới kế hoạch bán vốn cho cổ đông ngoại, ông Hiển cho biết, với SHB Lào, ngân đã ký hợp đồng nguyên tắc, thoả thuận điều khoản cơ bản để chuyển nhượng toàn bộ vốn cho đối tác nước ngoài với giá trị chuyển nhượng cao so với mặt bằng chung của thị trường.

SHB cũng đang tiếp tục tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng SHB Campuchia và bán vốn ngân hàng. "Có đối tác nhưng khi đàm phán chuyển nhượng cần thoả mãn điều kiện cả 2 bên, không thể chuyển nhượng với điều kiện thấp, đơn giản. Chuyển nhượng vốn cần đáp ứng lợi ích cả ngắn, trung và dài hạn cho cổ đông SHB, mang tính chiến lược, bền vững. Đối tác phải cùng tham gia với SHB để phát triển trong dài hạn", ông Hiển nói.

Trước lo lắng của cổ đông về việc chia cổ tức tăng vốn sẽ khiến cổ phiếu bị pha loãng, ông Hiển cho rằng, phát triển ngân hàng cần song song cả ngắn hạn và dài hạn. Về dài hạn vẫn phải nâng cao sức khoẻ của ngân hàng, tăng vốn cũng góp vào phục vụ đầu tư kinh doanh, phát triển mạng lưới, mở rộng hoạt động, đem lại giá trị cho ngân hàng và cả giá cổ phiếu. 

Xem thêm tại nhadautu.vn