Ngày 26/11, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM - chủ trì hội nghị lần thứ nhất của ban chỉ đạo (BCĐ).
Tại hội nghị, trao đổi cùng các đại biểu, Thủ tướng dành thời gian để nói về dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trong phần kết luận hội nghị, Thủ tướng cho hay, theo định hướng trước đây, Cảng Cần Giờ chưa có chức năng cảng trung chuyển quốc tế. Tuy nhiên, các Nghị quyết của Bộ Chính trị gần đây đã nêu rõ về định hướng xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế ở Cần Giờ.
Nhấn mạnh chủ trương đã có, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) rà soát, bổ sung chức năng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện, Bộ GTVT đang xem xét việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 4, quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển TPHCM thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Phối cảnh "siêu cảng" trung chuyển quốc tế Cần Giờ. |
Tại hội nghị lấy ý kiến Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do UBND TPHCM tổ chức ngày 19/10, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu rõ thành phố đã cân nhắc nghiên cứu rất kỹ lưỡng và trình bày chi tiết trong dự thảo đề án về Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trình Chính phủ hồi tháng 8 vừa qua và cho rằng TPHCM hoàn toàn tự tin, có đủ cơ sở pháp lý để triển khai dự án này và đây là cơ hội lịch sử của Việt Nam. Đây là dự án trọng điểm, vì vậy nếu thực hiện thành công sẽ ghi tên Việt Nam vào mạng lưới vận tải hàng hóa toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Vậy Cần Giờ cần gì? Có lẽ là một quyết tâm chính trị và giải pháp đổi mới, đột phá để bắt tay vào thực hiện các quy hoạch, dự án đã được phê duyệt chứ không chỉ mãi bàn như hiện nay.
Được biết, thời gian vừa qua Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và đối tác nước ngoài liên tục tổ chức các phiên làm việc để chuẩn bị nguồn lực, xây dựng mô hình, các phương án, tiến độ, lộ trình để sẵn sàng triển khai đầu tư dự án ngay sau dự án được chấp thuận chủ trương và được lựa chọn nhà đầu tư.
Ngày 13/7/2022, lãnh đạo của hãng tàu Mediterranean Shipping Company (MSC) đã có buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ tại Việt Nam. Gần đây nhất, trong tháng 9, VIMC và MSC đã có buổi làm việc cấp cao giữa hai bên tại Thụy Sĩ, khẳng định cam kết và quyết tâm của hai bên trong việc thực hiện dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, quyết tâm khởi công và tiến hành đầu tư dự án vào cuối năm 2024, đầu năm 2025.
Vì vậy, việc phê duyệt các thủ tục đầu tư liên quan đến dự án là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp bách trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư; Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch liên quan; UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án.
"Siêu cảng" Cần Giờ có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD (ảnh phối cảnh). |
Trong bối cảnh các cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực như Singapore, Malaysia đang tập trung đầu tư mạnh, có nhiều chính sách mời gọi, ưu đãi các hãng tàu, việc chậm trễ trong công tác thẩm định, phê duyệt các thủ tục đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sự quyết tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong việc tiếp tục thực hiện dự án, làm mất cơ hội cho ngành cảng biển nói riêng và cho quốc gia nói chung trong nỗ lực đầu tư xây dựng cảng biển trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam.
Liệu dự án siêu cảng Cần Giờ có thể là dự án đánh dấu những quyết tâm mạnh mẽ, giải pháp đổi mới, đột phá trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, hay thực hiện chỉ đạo "đã đưa ra giải pháp đổi mới, đột phá thì chuyện có ý kiến khác nhau là bình thường, vấn đề làm sao chúng ta giải trình được và thấy đó là việc có lợi cho dân cho nước thì cứ thế mà làm" mà Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị ngày 26/11 vừa qua?
Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng hơn 5 tỷ USD (tương đương 128.000 tỷ đồng) và phân kỳ làm 7 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1, đưa vào khai thác năm 2027 và hoàn thành đầu tư vào năm 2045.
Với vị trí gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, dự án siêu cảng trung chuyển Cần Giờ được đánh giá là có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Philippines, khu vực phía nam Trung Quốc…
Thống kê cho thấy, gần 60% khối lượng vận tải container đi qua Biển Đông. Dự báo đến năm 2030, thông qua các cảng khu vực Đông Nam Á, sản lượng hàng container trung chuyển quốc tế sẽ chiếm trên 30%. Theo đó, lượng hàng trung chuyển qua khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 đạt khoảng 84,6 triệu Teu và 104,3 triệu Teu vào năm 2040.
Hiện nay, hàng hóa tại các khu vực trên chủ yếu được trung chuyển tại Singapore và Malaysia. Nếu hàng hóa trung chuyển tại Cần Giờ thì cự ly vận chuyển giảm khoảng 30-70% so với đến Singapore. Thời gian qua, hãng tàu MSC (hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay) đang rất quan tâm, tìm hiểu, mong muốn tham gia hợp tác và đang tích cực phối hợp với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam nghiên cứu đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.