“Siêu” dự án bô-xít 2,3 tỷ USD của Hoá chất Đức Giang (DGC) đón tin vui
UBND tỉnh Đắk Nông vừa qua đã tổ chức Họp báo cung cấp thông tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2024 và định hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông ông Hồ Văn Mười cho biết, dù đối mặt với nhiều khó khăn như vướng mắc về quy hoạch khai thác bô-xít, ảnh hưởng của thời tiết bất thường và mưa lớn gây thiệt hại cơ sở hạ tầng, Đắk Nông vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong tổng số 11 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội, có 8 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu chưa hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tỉnh Đắk Nông đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn. Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp đã đăng ký dự án tại đây, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 8 tỷ USD. Riêng 4 dự án nhà máy khai thác bô-xít và sản xuất alumin, chiếm tới phân nửa số vốn đăng ký.
Trong đó, nổi bật là Dự án Tổ hợp bô-xít - alumin - nhôm tại huyện Tuy Đức và huyện Đắk Song do Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC) đề xuất làm chủ đầu tư.
Quy mô khai thác dự án này dự kiến khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô-xít/năm, và 3 nhà máy tuyển quặng sẽ được xây dựng với công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Tổng mức đầu tư của cả hai giai đoạn là 57.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD). Ước tính dự án đóng góp hơn 4.800 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Đắk Nông hàng năm khi đi vào hoạt động.
Ông Hồ Văn Mười cũng nhấn mạnh tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án khai thác bô-xít và sản xuất alumin để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
“Trong năm qua, tôi cùng lãnh đạo tỉnh đã có nhiều buổi làm việc với các bộ, ngành và Chính phủ để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến quy hoạch bô-xít. Đây sẽ là động lực quan trọng giúp Đắk Nông phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2025 và những năm tiếp theo”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nói.
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 7/2023, quy hoạch khai thác bô-xít tối đa là 118 triệu tấn nguyên liệu/năm.
Quy hoạch cũng nêu rõ, trong giai đoạn 2021 - 2030, việc thăm dò, khai thác bô-xít phải gắn với chế biến sâu (ít nhất là với sản phẩm nhôm). Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thăm dò, khai thác phải có năng lực thực hiện dự án từ thăm dò đến chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại và bảo vệ môi trường.
Về tiềm năng triển khai dự án bô-xít tại tỉnh Đắk Nông, theo hãng chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV), Tập đoàn Hoá chất Đức Giang hiện đã nằm trong danh sách ứng viên tiềm năng triển khai dự án nhờ năng lực công nghệ lẫn tài chính.
Trước đó, hồi giữa năm 2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cho Hoá chất Đức Giang nghiên cứu, khảo sát vị trí mỏ bô-xít tại huyện Tuy Đức và huyện Đắk Song, đặt nhà máy chế biến alumin tại huyện Đắk Song.
Theo kế hoạch đề xuất của Tập đoàn Hoá chất Đức Giang, dự án sẽ được vận hành trong giai đoạn 2028 - 2030. Với công suất 3 triệu tấn alumin/năm, doanh thu ước tính đạt khoảng 1,5 tỷ USD theo giá hiện tại, góp phần đáng kể vào tăng trưởng của tập đoàn.
Xem thêm tại tapchicongthuong.vn