‘Siêu dự án’ điện khí 12 tỷ USD ở thềm lục địa triển khai loạt khâu then chốt

Vào ngày 14/8, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam, đã có buổi làm việc để báo cáo tiến độ triển khai dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn.

Ông Hải cho biết công ty đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu cho gói thầu EPC bờ và đã ký kết hợp đồng với liên danh Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) và CTCP Lilama 18 (HoSE: LM8) vào tháng 12/2023.

Về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, ban lãnh đạo công ty cho biết khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2024. Công tác đo đạc, kiểm đếm đã được các địa phương thực hiện và cơ bản hoàn thành. Hiện tại, các địa phương đang triển khai lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III/2024.

“Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân dự kiến sẽ hoàn tất và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công vào quý IV/2024 theo đúng tiến độ. Từ nay đến cuối năm 2024, nhiệm vụ chính của chúng tôi là triển khai hợp đồng EPC tuyến ống bờ. Để đảm bảo bàn giao mặt bằng thi công đúng tiến độ, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị liên quan tại TP. Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau,” ông Trần Thanh Hải thông tin thêm.

‘Siêu dự án’ điện khí 12 tỷ USD ở thềm lục địa triển khai loạt khâu then chốt
Chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ

Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn là một phần quan trọng trong chuỗi dự án điện khí Lô B với vai trò vận chuyển khí từ mỏ Lô B đến các nhà máy điện. Dự án bao gồm tuyến ống biển, các trạm và tuyến ống bờ đi qua các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và TP. Cần Thơ, hiện đang được triển khai đồng bộ với tiến độ của toàn chuỗi.

Được biết, Lô B - Ô Môn là một dự án điện khí quy mô lớn với tổng đầu tư hơn 12 tỷ USD, bao gồm các dự án thành phần như mỏ khí Lô B 48/98 & 52/97 (thượng nguồn), đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và bốn nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV (hạ nguồn).

Dự kiến, sản lượng khai thác khí của dự án này sẽ đạt khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho tổ hợp bốn nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn ở Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000 MW.

Đây cũng là dự án được giới đầu tư quan tâm khi nhiều công ty chứng khoán nhận định rằng các doanh nghiệp dầu khí như CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), và CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) sẽ hưởng lợi từ dự án này.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn