‘Siêu dự án’ điện khí 12 tỷ USD ở thềm lục địa Việt Nam có tiến triển mới

Vào chiều ngày 29/7, tại TP. HCM đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tư vấn gói thầu khảo sát xây dựng và tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III. Hợp đồng này được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và liên danh nhà thầu CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2 - TV2) và CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 3 (PECC3 - TV3).

Ông Nguyễn Mạnh Tưởng, Trưởng Ban QLDA Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1 cho biết dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III là một trong bốn dự án nhà máy nhiệt điện nằm trong Trung tâm điện lực Ô Môn - TP. Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng tại Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 2/4/2024.

Được biết, nhà thầu được lựa chọn thi công dự án này là liên danh TV2 - TV3 với nhiều năm kinh nghiệm và đã thực hiện, hoàn thành nhiều gói thầu khảo sát xây dựng và lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) cho các NMNĐ than cũng như điện khí với giá trị trúng thầu tiết kiệm 24% so với dự toán.

Theo đó, ông Võ Văn Bình, Tổng Giám đốc TV2, đại diện liên danh nhà thầu TV2 - TV3 cho biết gói thầu thuộc dự án NMNĐ Ô Môn III là gói thầu quan trọng thuộc đường găng của dự án, do đó công ty cần tập trung vấn đề chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Việc lựa chọn xong nhà thầu sẽ là bước tiến quan trọng, đánh dấu dự án chính thức bước vào giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

‘Siêu dự án’ điện khí 12 tỷ USD ở thềm lục địa Việt Nam có tiến triển mới
Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn có tổng vốn đầu tư 12 tỷ USD

Dự án Nhà máy điện Ô Môn III là dự án thành phần trong chuỗi dự án Lô B - Ô Môn với tổng vốn đầu tư 12 tỷ USD, bao gồm các dự án thành phần: mỏ khí Lô B 48/98 & 52/97 (thượng nguồn), đường ống Lô B – Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV (hạ nguồn).

Sản lượng khai thác khí dự kiến của dự án này mang lại khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn ở Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000MW.

Đây cũng là dự án được giới đầu tư quan tâm khi nhiều công ty chứng khoán nhận định các doanh nghiệp dầu khí sẽ mang lại kết quả kinh doanh tích cực từ việc hưởng lợi của dự án này như CTCP Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVS), CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (GAS), CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam (PVB).

Xem thêm tại nguoiquansat.vn