Siêu Dự án Lô B - Ô Môn 12 tỷ USD của PVN chính thức khởi công, cổ phiếu PVD và PVS tăng 3 phiên liên tục
Theo Petrotimes, ông Lê Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã gặp gỡ và làm việc với ông Harada Hidenori, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Mitsui Oil and Gas (MOECO), và thông báo rằng dự án Lô B - Ô Môn đã chính thức khởi công xây dựng vào ngày 18/9/2024.
Theo các chuyên gia trong ngành, công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc – PQPOC (công ty con của PVN - nhà điều hành phân khúc thượng nguồn của dự án Lô B) đã tổ chức lễ cắt thép cho phần thượng tầng của giàn HUB/giàn đầu giếng (WHP) và phần chân đế của giàn HUB/WHP vào ngày 18/9 và 19/9 để đánh dấu các cột mốc quan trọng trong dự án EPCI 2.
Điều này đồng nghĩa với việc 2 gói thầu EPCI 1 và EPCI 2 thuộc khâu thượng nguồn được triển khai mà không cần chờ quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho toàn bộ dự án.
Báo cáo mới đây của CTCK Vietcap đánh giá diễn biến này sẽ hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu của PVS, PV Drilling và PV Gas.
Theo PVS, giá trị hợp đồng của công ty trong EPCI 2 là 400 triệu USD. Diễn biến nói trên tương ứng việc PQPOC đã trao toàn diện hợp đồng EPCI 2 cho công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (công ty do PVS sở hữu 100%). Điều này tiếp nối hoạt động Trao Thầu Hạn chế (LLOA) đã ký vào tháng 11/2023.
Tiến độ này diễn ra sau khi hợp đồng EPCI 1 (trị giá 1,1 tỷ USD) được trao cho các nhà thầu PVS và McDermott có trụ sở tại Mỹ vào ngày 3/9.
Kể từ đầu năm cho đến nay, cổ phiếu PVS và PVD đều đi lên trong giai đoạn đầu năm nhưng giảm nhanh sau đó.
PVD đã tăng 25% trong 4 tháng đầu năm lên mức 35.000 đồng/cp hồi đầu tháng 4 (mức cao nhất 2 năm), nhưng sau đó giảm 25% về mức giá 26.200 đồng/cp ở hiện tại.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với PVS khi cổ phiếu này liên tục tăng giai đoạn đầu năm, đạt đỉnh mới hồi đầu tháng 6 ở mức 45.400 đồng/cp. Sau đó cổ phiếu này đã giảm hơn 10% còn 40.600 đồng/cp.
Trong 3 phiên giao dịch gần nhất, PVD và PVS đều đóng cửa trong sắc xanh.
Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn là dự án điện khí quy mô lớn với tổng đầu tư khoảng 12 tỷ USD, bao gồm các dự án thành phần như mỏ khí Lô B 48/98 & 52/97 (thượng nguồn), đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và bốn nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV (hạ nguồn).
Dự kiến, sản lượng khai thác khí của dự án này sẽ đạt khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho tổ hợp bốn nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn ở Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000 MW.
Dự án có sự góp mặt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Thăm dò Dầu khí Mitsui (MOECO) - Nhật Bản, Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí PTT (PTTEP) của Thái Lan. Các đơn vị này cùng tham gia đầu tư theo hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (PSC) ở khâu thượng nguồn.
Xem thêm tại cafef.vn