SK Group thoái vốn để cơ cấu lại danh mục đầu tư hiệu quả hơn

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân Maybank Investment Bank đã có những đánh giá về động thái bán ròng của khối ngoại hiện nay.

Phóng viên: Thưa ông, câu chuyện bán ròng của khối ngoại gần đây đang thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước. Ông nhận định thế nào về xu thế bán ròng của khối ngoại?

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân Maybank Investment Bank.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân Maybank Investment Bank.

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Tôi cho rằng, câu chuyện của khối ngoại là mối quan tâm lớn nhất trên thị trường. Trong nửa đầu năm nay, thị trường Việt Nam nói riêng và nhóm mới nổi nói chung đều chịu áp lực bán ròng tương đối nhiều. Điều này đến từ yếu tố Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ mặt bằng lãi suất cao vì quan ngại lạm phát, khối ngoại dịch chuyển vốn trên toàn cầu đi theo hướng giảm bớt tỷ trọng, tăng dự trữ tài sản neo theo lợi tức đồng USD.

6 tháng cuối năm, tôi kỳ vọng Fed sớm thực hiện cắt giảm lãi suất với 2 đợt, tháng 9 và tháng 11. Khi Fed hạ lãi suất sẽ tạo tín hiệu cho dòng tiền ngừng dịch chuyển dòng vốn nói trên. Đó là cơ sở nền quan trọng nhất để xu hướng bán ròng của khối ngoại đảo chiều.

Từ nay tới tháng 9 tôi vẫn nghiêng hướng bán ròng của khối ngoại vẫn còn. Nhưng khoảng một hai tuần tới, áp lực của nước ngoài khả năng sẽ ít hơn so với giai đoạn hiện tại, cường độ sẽ giảm đi.

Phóng viên: Liên quan tới khối ngoại, ông có bình luận gì về việc thoái vốn của SK Group tại hai doanh nghiệp Masan Group (MSN) và Vingroup (VIC)?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Câu chuyện SK Group thoái vốn khỏi MSN nằm trong kế hoạch từ trước. Nếu nhìn từ góc độ từ Tập đoàn mẹ, chúng ta thấy họ có chủ trương cơ cấu lại những danh mục đầu tư để có độ hiệu quả hơn. Đây không hẳn là thông tin quá bất ngờ, không nên được chuyển dịch thành câu chuyện SK Group thoái vốn ra khỏi thị trường Việt Nam mà nghiêng theo hướng cơ cấu danh mục đầu tư để chuẩn bị cho các khoản đầu tư trong tương lai.

Với VIC, câu chuyện thoái vốn sẽ nhìn nhiều hơn về góc độ kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng ta thấy, VIC vẫn đang gặp một số thử thách với Vinfast. Tôi nghĩ với định hướng như hiện tại không phù hợp với mong muốn của SK Group trước đây, đó là đường dài khó đoán định, theo đó họ muốn giảm tỷ trọng đầu tư trong thương vụ này.

Phóng viên: Đánh giá của ông ra sao về bức tranh kết quả kinh doanh quý II sắp tới sẽ dần được công bố, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Bức tranh kinh doanh quý II sẽ có sự phân hóa cao, theo chiều hướng đã đạt được ở quý I. Như đã đề cập trước đây, năm nay có sự phục hồi với các nhóm ngành bán lẻ, ngân hàng, xuất khẩu.

Nhóm chứng khoán với thanh khoản tương đối tốt, tự doanh hiệu quả trong giai đoạn quý II cũng sẽ có kết quả lạc quan. Ngoài ra, một số nhóm ngành vẫn còn khó khăn như bất động sản, kết quả còn ảm đạm nhưng cũng trong dự báo chứ không quá bất ngờ.

Tôi nghiêng về các cổ phiếu như bán lẻ, công nghệ, ngân hàng trong khuyến nghị danh mục nửa sau của năm 2024.

Phóng viên: Cảm ơn chia sẻ của ông!

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn