SMC có lãi nhờ hoàn nhập dự phòng nợ xấu, thoát án huỷ niêm yết

Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) mới đây đã công bố báo cáo tài chính năm 2024 với nhiều điểm đáng chú ý. Doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng 48,5 tỷ đồng cho cả năm, thay vì khoản lỗ 286,7 tỷ đồng như công bố trước đó, cải thiện 335,2 tỷ đồng.

SMC báo lãi trở lại nhờ hoàn nhập dự phòng nợ xấu

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, sự thay đổi mạnh mẽ này chủ yếu đến từ việc điều chỉnh mức trích lập dự phòng đối với các khoản phải thu khó đòi tính đến ngày 31/12/2024.

Cụ thể, thay vì trích lập 663,2 tỷ đồng trên tổng dư nợ gốc khó thu hồi 1.289,2 tỷ đồng như trong báo cáo quý IV, doanh nghiệp chỉ còn trích lập 327,99 tỷ đồng trong báo cáo tài chính năm. Mức điều chỉnh giảm dự phòng khoảng 335,21 tỷ đồng đã trực tiếp góp phần cải thiện lợi nhuận trong kỳ.

Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của SMC trong năm 2024 ghi nhận âm 108,7 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn so với mức chi phí dương 623,2 tỷ đồng của năm 2023.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, sự thay đổi này chủ yếu do doanh nghiệp hoàn nhập khoản dự phòng 207,8 tỷ đồng trong năm, trong khi năm trước phải trích lập dự phòng lên tới 502,8 tỷ đồng.

Việc báo lãi 48,5 tỷ đồng đã giúp SMC chấm dứt chuỗi hai năm thua lỗ liên tiếp, riêng năm 2023 doanh nghiệp từng lỗ tới 925,3 tỷ đồng. Nếu chỉ xét về mặt con số, đây là bước tiến lớn, với mức cải thiện lợi nhuận hơn 973 tỷ đồng so với năm trước.

Tuy vậy, cần lưu ý rằng sự cải thiện này mang tính kỹ thuật, chủ yếu nhờ điều chỉnh các bút toán kế toán thay vì đến từ sự tăng trưởng thực sự trong hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Minh chứng rõ nét là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh chính của SMC trong năm 2024 vẫn ghi nhận âm 201,2 tỷ đồng, trái ngược với dòng tiền dương 441,58 tỷ đồng của năm 2023. Điều này cho thấy khả năng tự sinh dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Doanh nghiệp báo lãi trong năm 2024, cổ phiếu SMC tạm thời "thoát" án huỷ niêm yết

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của SMC đạt 4.848 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm tới 64,95%, tương đương 3.148,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ ngắn hạn lại vượt quá tài sản ngắn hạn, với tổng nợ ngắn hạn ghi nhận ở mức 3.741,3 tỷ đồng. Khoảng cách lớn giữa tài sản và nợ ngắn hạn cho thấy doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng mất cân đối nguồn vốn ngắn hạn – một dấu hiệu cho thấy rủi ro thanh khoản nghiêm trọng.

Đáng lưu ý, SMC đang sử dụng tới 592,4 tỷ đồng vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn. Điều này càng gia tăng áp lực lên khả năng quay vòng vốn và thanh toán ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền hoạt động kinh doanh vẫn âm.

Ngoài ra, tại ngày 31/3/2024, SMC vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế 103,3 tỷ đồng, tương đương 14% vốn điều lệ. Doanh nghiệp dường như vẫn chưa thực sự thoát khỏi tình trạng tài chính khó khăn.

Một điểm khác cần lưu ý là hàng tồn kho của SMC tại thời điểm cuối năm 2024 đạt 1.045 tỷ đồng, chiếm khoảng 21,6% tổng tài sản. Trong đó, phần lớn là thành phẩm và nguyên vật liệu thép.

Mức tồn kho lớn đặt công ty trước rủi ro biến động giá nguyên vật liệu, nhất là trong bối cảnh thị trường thép toàn cầu tiếp tục có những biến động khó lường. Nếu giá thép giảm sâu trong năm 2025, SMC có thể phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho, ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh.

Đồng thời, cũng cần lưu ý rằng báo cáo tài chính năm 2024 của SMC hiện chưa có xác nhận của đơn vị kiểm toán độc lập. Do đó, kết quả kinh doanh cuối cùng và chính thức sẽ phụ thuộc vào báo cáo kiểm toán – yếu tố then chốt quyết định khả năng cảnh báo hoặc xử lý từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Trước đó, HoSE đã đưa ra lưu ý về khả năng cổ phiếu SMC bị hủy niêm yết bắt buộc nếu công ty tiếp tục ghi nhận lỗ trong báo cáo kiểm toán năm 2024.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SMC hiện đang giao dịch quanh mức 9.150 đồng/cổ phiếu, tương ứng với vốn hóa gần 680 tỷ đồng. So với vùng đáy gần nhất, cổ phiếu này đã tăng hơn 60% và đang tiệm cận vùng đỉnh của năm 2024.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn