SMC - Hành trình từ 'căn nhà và những chiếc nhẫn' đến lãi rồi lỗ nghìn tỷ, vì đâu nên nỗi?
Thời gian gần đây CTCP Đầu tư thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) liên tục có những biến động, từ việc kinh doanh bết bát, thu hẹp sản xuất kinh doanh, chuyển nhượng tài sản và cả giải thể công ty con.
SMC được biết đến như một đầu mối phân phối thép lớn trên thị trường miền Nam, quy mô nhà máy, quy mô các nhà máy rất lớn, đáp ứng nhu cầu gia công thép của rất nhiều đối tác. Vì đâu nên nỗi?
Từng lãi nghìn tỷ đến lỗ nghìn tỷ
Thương mại SMC tiền thân là cửa hàng vật liệu xây dựng số 15 thuộc trung tâm bán buôn bán lẻ vật liệu xây dựng miền Nam, thành lập năm 1988. Thương hiệu SMC ngày nay chính thức ra mắt năm 1998 – 10 năm sau ngày cửa hàng được thành lập.
Để có vốn thành lập cửa hàng, những người sáng lập, mà như hồi ký ông Nguyễn Ngọc Anh, người khai sinh SMC, viết "Tại căn nhà 492 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, tôi và 8 anh chị em họp bàn tròn trong một thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử SMC. Mỗi người rút trên tay những chiếc nhẫn vàng đặt vào giữa chiếc phản đang ngồi, tổng cộng được gần 7 lượng vàng". Căn nhà 492 (là địa điểm của cửa hàng vật liệu số 15), cũng là nhà của bố mẹ ông Nguyễn Ngọc Anh.
"Hồi ký SMC" của cựu Chủ tịch Nguyễn Ngọc Anh, cũng kể lại rất rõ chi tiết từ những ngày đầu mở cửa hàng vật liệu số 15 (còn gọi là cửa hàng 492), về cơ duyên chọn và quyết tâm theo ngành thép.
“
Vì sao lại chọn thép? lúc đó tôi nghĩ đất nước đang trong quá trình tái thiết sau chiến tranh, nên nhu cầu thép để xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn
Cựu Chủ tịch SMC Nguyễn Ngọc Anh
Đến năm 2004 công ty tiến hành cổ phần hóa, và đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh với mã chứng khoán SMC từ năm 2006.
Hành trình 35 năm hình thành và phát triển, SMC trở thành nhà phân phối chiến lược của các nhà sản xuất thép lớn tại Việt Nam với các loại thép xây dựng và các nguyên liệu sản xuất thép. Ngoài ra còn có các sản phẩm thép tấm cán nóng thép lá mạ kẽm, mạ điện, mạ màu, hợp kim, thép không rỉ. SMC còn có cả thép hình, thép cường độ cao…
Hệ thống Coil Center của SMC có tổng công suất gia công đến 500.000 tấn/năm với các nhà máy đặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM, Đà Nẵng, Hà Nội được trang bị máy móc thiết bị hiện đại chuyên cung cấp dịch vụ gia công định hình…
Hệ thống cơ khí chính xác có tổng công suất giai đoạn 1 đạt 2 triệu sản phẩm/năm; nhà máy đặt tại KCN Phú Mỹ 2.
Hệ thống sản xuất thép cán nguội và thép lá mạ kẽm tại SMC cơ khí có công suất thiết kế 350.000 tấn/năm chuyên cung cấp các sản phẩm cho hệ thống Coil Center và các nhà máy sản xuất ống thép
Hệ thống sản xuất thép ống Việt Nhật Sendo có công suất 250.000 tấn/năm.
Hệ thống sản xuất lưới thép hàn Việt Nhật với công nghệ và chất lượng cao.
SMC ban đầu có vốn điều lệ hơn 295 tỷ đồng, hiện vốn điều lệ đạt mức 736 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Loan tiếp nhận ghế Chủ tịch HĐQT SMC từ năm 2017.
Xây dựng hệ thống nhà máy quy mô lớn, SMC từng là doanh nghiệp phân phối thép quy mô lớn trên thị trường miền Nam. Từ năm 2014 doanh thu đã vượt 10.000 tỷ đồng và chỉ một lần “rơi” khỏi mốc này vào năm 2016. Tuy doanh thu 2016 giảm sút, nhưng đây cũng là năm công ty đạt biên lợi nhuận cao nhất, lên đến 4%, báo lãi sau thuế 368 tỷ đồng.
Trên thực tế, tình hình kinh doanh của SMC không ổn định từ nhiều năm nay, từ 2010-2014 lãi hàng năm chưa đến trăm tỷ đồng. Năm 2015 bất ngờ lỗ lớn gần 200 tỷ đồng trước khi có lãi hơn 368 tỷ đồng bào năm 2016.
Xét về lợi nhuận, năm 2021 được xem là năm lãi lớn nhất của SMC với ghi nhận xấp xỉ nghìn tỷ đồng trước thuế. Lãi sau thuế đạt 903 tỷ đồng, biên lợi nhuận đạt trên 4,24% - mức cao kỷ lục của doanh nghiệp.
2021 cũng là năm thị trường thép đầy biến động, giá thép tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển gặp khó.
Năm 2022 SMC gây “sốc” khi báo doanh thu kỷ lục gần 23.200 tỷ đồng nhưng thua lỗ đến 651 tỷ đồng. Còn năm 2023 vừa qua SMC càng khiến nhà đầu tư thất vọng khi doanh thu giảm sâu 40% xuống còn gần 13.800 tỷ đồng, và ghi lỗ kỷ lục 919 tỷ đồng.
Lỗ khủng 2 năm liên tiếp đã xóa tan mọi thành quả tích lũy trước đó, SMC lỗ lũy kế 182 tỷ đồng đến 31/12/2023.
>> Lỗ 586 tỷ đồng từ đầu năm, Thương mại SMC (SMC) rục rịch bán tài sản ở Bình Dương
Vì đâu nên nỗi?
Từ một trong những doanh nghiệp thép lãi lớn, vì đâu SMC rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề? Đi tìm lời giải, cho câu hỏi này, có khá nhiều luận điểm, từ việc dùng tiền đi đầu tư "ngoài ngành", đến việc gặp phải "thời" không tốt khi khách hàng chây ì trả nợ...
Mang tiền đi đầu tư chứng khoán: Là doanh nghiệp thép, những lãnh đạo SMC còn là những người ưa đầu tư mạo hiểm. Trong khi doanh nghiệp vẫn phải đi vay hàng trăm tỷ đồng từ ngân hàng và gánh nặng trả lãi vay vẫn đè nặng, thì SMC lại mạnh tay xách tiền đi đầu tư chứng khoán, và không được may mắn nên thường xuyên thua lỗ.
Trong đó đáng chú ý nhất là khoản đầu tư mua cổ phiếu POM của doanh nghiệp thép khác là Pomina. Thời điểm cuối năm 2014, chỉ 1,6 triệu cổ phiếu POM trị giá chưa đến 38 tỷ đồng, SMC đã phải trích lập dự phòng giảm giá hơn 24 tỷ đồng (bao gồm cả đầu tư ngắn và dài hạn). Tổng giá trị đầu tư chứng khoán năm 2014 hơn 90 tỷ đồng thì SMC phải trích lập dự phòng đến 53 tỷ đồng giảm giá chứng khoán đầu tư.
Sau đó, thay vì gọi đó là "chứng khoán kinh doanh", các khoản đầu tư này của SMC được quản lý dưới hình thức "đầu tư vào đơn vị khác". Trong số đó khoản đầu tư vào Pomina vẫn đang phải trích lập dự phòng đến 67% giá trị. Khoản đầu tư vào thép tấm lá Thống Nhất (TNS) cũng phải trích lập dự phòng 75% giá trị.
Gánh nặng nợ vay: Trong khi mạnh tay đầu tư chứng khoán, thì nguồn vốn doanh nghiệp lại lấy từ đi vay. Gánh nặng nợ vay khiến SMC phải chi trả hàng chục tỷ đồng tiền lãi suất mỗi năm.
Tổng nợ tài chính ngắn và dài hạn đến hết năm 2023 lên đến 3.000 tỷ đồng, bằng khoảng 50% tổng tài sản, trong đó nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 2.500 tỷ đồng.
Chủ nợ lớn nhất của SMC hiện nay là Vietinbank (CTG) với dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 1.300 tỷ đồng. Chủ nợ lớn thứ 2 là BIDV (BID) với dư nợ vay ngắn hạn hơn 366 tỷ đồng và chủ nợ lớn thứ 3 là MBB với hơn 172 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho các khoản vay này chủ yếu là hàng tồn kho luân chuyển, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nhà xưởng máy móc, trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp khác…-“Dính” nợ dai từ khách hàng, đặc biệt Novaland: Dính tới các khách hàng nợ dai không trả cũng là một trong những vấn đề khiến SMC liên tục bị bào mòn. Năm 2014 công ty trích lập dự phòng phải thu khó đòi 54 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm 2013.
Hàng tồn kho: Trong khi loạt doanh nghiệp xem hàng tồn kho là lợi thế thì SMC liên tục phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với giá trị lớn, hàng chục tỷ đồng.
Thời điểm cuối năm 2022 tổng giá trị hàng tồn kho công ty còn 1.663 tỷ đồng, và doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 100 tỷ đồng. Còn cuối năm 2023 vừa qua giá trị hàng tồn kho giảm gần một nửa, còn 850 tỷ đồng - và doanh nghiệp vẫn ở trong tình trạng phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 10 tỷ đồng.
>> Thép SMC công bố loạt khoản nợ xấu với hệ sinh thái Novaland (NVL)
Vướng nợ xấu: Kinh doanh gặp khó, lại vướng nợ khó đòi, năm 2023 vừa qua SMC đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 553 tỷ đồng - hơn gấp 10 lần năm 2022.
Trong các khách hàng "nợ dai" của SMC có 3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái Novaland là Delta Valley Bình Thuận, Bất động sản Đà Lạt Valley và The Forest City đã phải trích lập dự phòng gần 300 tỷ đồng. Trong đó hàng bán cho Delta Valley Bình Thuận phát sinh từ năm 2021.
Năm 2021 SMC vui mừng công bố thông tin hợp tác cung cấp thép xây dựng tại các dự án đầu tư và phát triển bởi tập đoàn Novaland.Tuy vậy chỉ 2 năm sau đó, các dự án này gặp khó, khiến khoản nợ với các doanh nghiệp cung cấp vật liệu cũng bị kéo dài.
Phát hành trái phiếu: Năm 2021 SMC được nhắc tới nhiều hơn trên thị trường tài chính khi trong vòng vài tháng đã liên tiếp phát hành 2 lô trái phiếu.
Lô trái phiếu SMCH2124001 trị giá 200 tỷ đồng phát hành tháng 8/2021 và đáo hạn vào tháng 8/2024 tới đây, lãi suất danh nghĩa 8,2%/năm. Mục đích phát hành nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tài sản đảm bảo là 9,1 triệu cổ phiếu NKG và cổ phiếu SMC thuộc sở hữu của bên thứ 3. Lô trái phiếu này đã được công ty mua lại vào đầu tháng 2 vừa qua.
Lô trái phiếu SMCH2126002 trị giá hơn 113 tỷ đồng phát hành tháng 10/2021 và đáo hạn vào tháng 10/2026. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là 35% vốn cổ phần tại Công ty TNHH Hanwa SMC Steel Service Hà Nội.
Phát hành trái phiếu huy động vốn trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, SMC gánh thêm nợ, tình hình kinh doanh cũng không khả quan.
SMC - những thương vụ chuyển nhượng lỗ vốn
Kinh doanh gặp khó, đòi nợ không được, SMC quyết định rút gon quy mô sản xuất kinh doanh, bán bớt tài sản để quay vòng vốn.
Tháng 1/2024 SMC thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và tài sản gắn liền với đất tại SMC Tân Tạo 2 – KCN Tân Tạo. Lô đất có diện tích 9.096m2. Giá chuyển nhượng dự kiến 126 tỷ đồng, gồm thuế VAT và phần tài sản gắn liền với đất, máy móc thiết bị…
Đáng chú ý, khoản đầu tư của MC vào KCN Tân Tạo đã khá lớn. BCTC năm 2021 ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang mà SMC đổ vào KCN Tân Tạo – là quyền sử dụng đất có thời hạn (đến 17/6/2047) tại KCN này – lên đến 117,5 tỷ đồng.
Cuối năm 2022 khoản xây dựng dở dang tại KCN Tân Tạo kết chuyển về 0, thay vào đó, bên phần tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc tăng giá trị thêm 142 tỷ đồng do đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành.
>> Thép SMC tiếp tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá 126 tỷ đồng
Trước đó cuối tháng 11/2023 SMC đã thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, vật dụng, kiến trúc trên đất tại SMC Bình Dương - Khu công nghiệp Đồng An. Lô đất có diện tích 6.197m2 và giá chuyển nhượng dự kiến 49 tỷ đồng.
Còn công ty SMC Châu Đức cũng đã bị giải thể do kinh doanh không hiệu quả.
Đầu tư dàn trải, nợ nần chồng chất rồi phải quyết định "bán" tài sản, giải thể công ty con, thu hẹp sản xuất, SMC đang chờ đợi một "cú huých" tái cơ cấu để kỳ vọng trở lại đỉnh cao lợi nhuận những năm trước đó.
>> Thép SMC: Kế hoạch SXKD năm 2024 co hẹp, mua lại 200 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Xem thêm tại nguoiquansat.vn