Số hóa quy trình, ngân hàng tích cực cho vay trực tuyến
Có thể thực hiện vay vốn với 100% quy trình số
Trong các chỉ đạo gần đây từ Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng... luôn được chỉ ra. Đặc biệt trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã…
Vì thế, nhiều ngân hàng đã triển khai cấp tín dụng qua hình thức trực tuyến. Theo NHNN, tính đến nay có ít nhất 28 tổ chức tín dụng ứng dụng công nghệ vào việc cho vay.
Các doanh nghiệp cho biết, nếu như trước đây, để vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải chuẩn bị một bộ hồ sơ vay vốn lên đến hàng chục đầu file, từ pháp lý doanh nghiệp, tài chính công ty, chứng minh tài sản đảm bảo..., sau đó chờ đợi thẩm định, phê duyệt mất ít nhất 2-3 tháng, nhưng với hình thức cho vay trực tuyến hiện nay, thời gian làm thủ tục và hồ sơ chỉ còn từ 1-3 ngày và mọi thao tác, kể cả xét duyệt, giải ngân, người vay đều không cần tới phòng giao dịch mà có thể thực hiện 100% quy trình trên ngân hàng số.
Như tại MSB, với thế mạnh về công nghệ và tận dụng tối đa dữ liệu thuế và hóa đơn, kết hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của ngân hàng, đã có gần 5.000 doanh nghiệp được cấp tín dụng trên kênh số với gần 52.000 tỷ đồng hạn mức được cấp, trong đó, gần 1.000 tỷ đồng hạn mức được cấp thông qua các giải pháp được nhúng và tích hợp cho khách hàng trên các nền tảng đối tác...
Bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó Tổng giám đốc MSB cho biết, với khả năng của các máy học và dữ liệu, ngân hàng có thể phê duyệt ngay trong 4 phút. Cùng với đó, ngân hàng kết hợp các giải pháp với công ty công nghệ tài chính (Fintech), kết nối với dữ liệu thuế… từ đó cập nhật được tức thời thông tin về tình trạng của doanh nghiệp, qua đó đánh giá mô hình để có thể đưa ra giải pháp cho vay ngay khi khách hàng đăng ký và cung cấp những thông tin cơ bản.
Tương tự, BIDV cũng số hóa quy trình cho vay từ khâu tiếp nhận nhu cầu vay vốn đến thực hiện và quản lý tài khoản cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. SHB cũng có hàng loạt sản phẩm được thực hiện end-to-end trên kênh online như mở tài khoản eKYC, thấu chi online, vay cầm cố sổ tiết kiệm…
Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Tùng, Thành viên HĐQT Ngân hàng OCB chia sẻ, việc thực hiện cho vay trực tuyến giúp tạo điều kiện cho người thu nhập trung bình khá trở lên vay ngân hàng với 100% việc phê duyệt tín dụng số hóa, tự động hoàn toàn… Ngoài ra, ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Khối Ngân hàng số của MB còn cho biết, dựa trên lịch sử giao dịch dòng tiền tại ngân hàng, ngân hàng có thể đề xuất và cấp ngay tín dụng cho khách hàng khi có nhu cầu.
Đẩy mạnh đầu tư công nghệ
Theo các chuyên gia, nhằm phát triển cho vay trực tuyến, ngành ngân hàng đang tăng cường đầu tư hệ thống công nghệ nhằm đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật trong quá trình giao dịch, đồng thời áp dụng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)… qua đó giúp đánh giá được lịch sử tín dụng, khả năng chi tiêu, thanh toán, hay hiệu quả sản xuất kinh doanh để quyết định hạn mức giải ngân cho khách hàng.
Ngoài ra, về cơ sở pháp lý, theo NHNN, hiện đã có 2 nghị định quy định về xác thực định danh điện tử, dữ liệu điện tử để triển khai dịch vụ trên kênh số. NHNN đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi, bổ sung theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); nghiên cứu quy định trong thanh toán, xác thực, định danh điện tử từ căn cước công dân, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… từ đó đem đến các giải pháp cho vay an toàn, tiện lợi.
NHNN cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. 24 tổ chức tín dụng đã ký kết với C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng…
Vì thế, các ngân hàng đánh giá, hàng loạt quy định về cho vay trực tuyến sắp được luật hóa cùng nỗ lực kết nối về dữ liệu dân cư sẽ giúp hệ thống ngân hàng tận dụng cơ hội cho vay trực tuyến. Tuy nhiên, với sự phát triển này, công tác bảo mật, đảm bảo an toàn an ninh mạng trong cho vay trực tuyến cũng phải được tăng cường đảm bảo, giảm tối đa rủi ro cho các bên, nhất là khi “cuộc chiến” trong an ninh tài chính trên môi trường mạng vẫn diễn ra với nhiều chiêu trò mới liên tục xuất hiện. Cùng với đó là phải đẩy mạnh truyền thông để người dân, doanh nghiệp hiểu được quy trình và lợi ích của việc vay vốn trực tuyến tại các tổ chức tín dụng uy tín, không vay vốn tại các ứng dụng núp bóng "tín dụng đen" với lãi suất cao...
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn