Số liệu cho thấy VietinBank đang tiến gần đến mốc lợi nhuận chưa từng có trong lịch sử

Theo báo cáo của Khối Nghiên cứu – Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS Research), lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VietinBank năm 2025 được dự báo đạt 33.340 tỷ đồng, tăng 30,8% so với năm 2024. Đến năm 2026, con số này tiếp tục tăng thêm 17,9%, lên mức 39.314 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng mạnh mẽ này chủ yếu đến từ việc kiểm soát tốt chi phí tín dụng và duy trì chất lượng tài sản ổn định trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động. Cụ thể, chi phí tín dụng dự báo giảm mạnh từ 1,27% năm 2024 xuống 1,12% năm 2025, và tiếp tục hạ về 1,05% năm 2026.

Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu dự kiến giảm từ 1,25% cuối năm 2024 về 1,1% trong năm 2025 và 1,0% trong năm 2026. Việc nợ xấu giảm nhanh cho thấy chất lượng tài sản của ngân hàng đang được cải thiện rõ rệt, góp phần trực tiếp vào việc tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro. Báo cáo phân tích chỉ ra rằng, “hoạt động thu hồi nợ xấu trong năm 2024 đạt 8.480 tỷ đồng, tăng 81,5% so với cùng kỳ”, giúp tăng thu nhập ngoài lãi và giảm áp lực dự phòng.

Số liệu cho thấy VietinBank đang tiến gần đến mốc lợi nhuận chưa từng có trong lịch sử
Diễn biến chất lượng tài sản của VietinBank theo quý: Nợ xấu ổn định, nợ nhóm 2 giảm mạnh. Nguồn: CTG, MBS Research.

Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) được dự báo tăng từ 170,7% cuối năm 2024 lên 205,4% năm 2025 và 212,7% năm 2026. Đây là mức rất cao trong nhóm ngân hàng niêm yết, cho thấy VietinBank đang xây dựng “vùng đệm an toàn” lớn, giúp duy trì ổn định lợi nhuận trong các kịch bản rủi ro. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) theo đó cũng bật tăng mạnh, dự kiến đạt 20,5% trong năm 2025 – mức vượt trội trong toàn ngành.

Biên lãi ròng duy trì ổn định, chi phí vốn giảm sâu, hiệu quả vận hành cải thiện rõ

Bên cạnh chi phí tín dụng, một yếu tố quan trọng khác giúp VietinBank tăng tốc lợi nhuận là khả năng duy trì biên lãi ròng (NIM) ổn định trong môi trường lãi suất đầu ra khó cải thiện. Cụ thể, NIM của VietinBank giữ ở mức 2,9% trong năm 2024 và dự kiến tăng nhẹ lên 3,0% năm 2025 và 3,1% năm 2026. Mức tăng này chủ yếu đến từ việc giảm chi phí vốn huy động.

Số liệu cho thấy VietinBank đang tiến gần đến mốc lợi nhuận chưa từng có trong lịch sử
Diễn biến NIM, chi phí vốn và tỷ suất sinh lợi tài sản của VietinBank theo quý. Nguồn: CTG, MBS Research.

Cụ thể, chi phí vốn (COF) của VietinBank trong năm 2024 đã giảm tới 140 điểm cơ bản so với năm 2023. Kết quả này có được nhờ việc duy trì tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức cao. Tỷ lệ CASA cuối năm 2024 đạt 23,9% và được dự báo giữ ở mức 24,8% trong hai năm tiếp theo. Đây là tỷ lệ CASA thuộc top 5 ngân hàng niêm yết. Đáng chú ý, “tỷ lệ CASA từ khối khách hàng doanh nghiệp chiếm tới 57,5%”, theo MBS Research – cho thấy đây là nguồn vốn giá rẻ, ổn định và có tính bền vững cao.

Ngoài ra, chi phí hoạt động cũng được kiểm soát tốt. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của VietinBank ở mức 27,5% năm 2024 và dự kiến chỉ tăng nhẹ lên 28% trong năm 2025 và 2026. Khi kết hợp với NIM được giữ vững và chi phí vốn giảm, VietinBank có được nền tảng vững chắc để duy trì tăng trưởng lợi nhuận ròng mà không cần dựa quá nhiều vào mở rộng tín dụng quy mô.

Tín dụng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp lớn và FDI: Ba động cơ tăng trưởng ổn định

Tính đến cuối năm 2024, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của VietinBank tăng mạnh 21,9% so với cùng kỳ và chiếm tới 62,5% tổng tín dụng. Mảng tín dụng bán lẻ đang trở thành trụ cột chính, giúp ngân hàng giảm phụ thuộc vào các khách hàng doanh nghiệp có rủi ro cao hơn, đồng thời ổn định thu nhập lãi trong dài hạn. Theo MBS Research, “ngân hàng bán lẻ sẽ tiếp tục là động lực chính của CTG trong giai đoạn 2025–2026, với tốc độ tăng trưởng tín dụng bán lẻ dự kiến duy trì ở mức 20% mỗi năm”.

Số liệu cho thấy VietinBank đang tiến gần đến mốc lợi nhuận chưa từng có trong lịch sử
Cơ cấu tăng trưởng tín dụng của VietinBank theo phân khúc khách hàng: Bán lẻ chiếm tỷ trọng áp đảo. Nguồn: CTG, MBS Research.

Không chỉ bán lẻ, VietinBank còn tăng tốc ở phân khúc doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, dư nợ cho vay doanh nghiệp lớn (CIB) tăng 23,6% và nhóm khách hàng FDI tăng tới 25,9% trong năm 2024 – vượt xa mức trung bình ngành. Đây là những nhóm khách hàng có rủi ro thấp hơn, giúp ngân hàng tối ưu hóa danh mục tín dụng và cải thiện tỷ lệ tài sản có trọng số rủi ro (RWA).

Ngoài ra, ngân hàng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực có khả năng phục hồi nhanh như bất động sản khu công nghiệp, năng lượng, logistics và dệt may. Chiến lược này phù hợp với chuẩn Basel II và giúp tối ưu hệ số an toàn vốn (CAR), từ đó gia tăng khả năng cấp tín dụng mới mà không phải tăng vốn điều lệ.

Định giá hấp dẫn, hiệu suất tài chính vượt trội

MBS định giá cổ phiếu CTG ở mức 52.100 đồng/cổ phiếu, cao hơn 25,1% so với giá thị trường hiện tại. Mức định giá này dựa trên hai phương pháp: thu nhập thặng dư và P/B mục tiêu 1,5 lần – phản ánh kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận vượt trội và ổn định trong dài hạn.

Tỷ lệ tăng trưởng kép lợi nhuận ròng (CAGR) giai đoạn 2025–2029 của VietinBank được dự báo đạt 18,3%, cao hơn hẳn mức trung bình 13,1% của 5 năm trước. Trong khi đó, cổ phiếu CTG hiện chỉ đang giao dịch với P/E 6,7 lần và P/B 1,3 lần – một mức định giá được cho là thấp so với tiềm năng sinh lời thực tế.

Với lợi nhuận ròng dự kiến bứt phá lên hơn 33.000 tỷ đồng trong năm 2025, chi phí tín dụng giảm, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vững chắc, tăng trưởng tín dụng bán lẻ duy trì tốc độ cao và nền tảng CASA ổn định, VietinBank đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện và tăng tốc bền vững. Cuộc đua hiệu quả trong khối ngân hàng quốc doanh giờ đây không còn là câu chuyện của quy mô, mà là bản lĩnh vận hành – nơi VietinBank đang chứng minh mình là người dẫn đầu mới.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn