Số phận lô đất vàng 132 Nguyễn Trãi và dấu ấn Khoáng sản Hợp Thành

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) từng là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được giao quản lý rất nhiều lô đất ở vị trí đắc địa. Thông tin ghi nhận, sau cổ phần hóa, hơn 100 mảnh đất các loại được giao cho Hapro. Từ tay Hapro, nhiều mảnh đất hiện đã khoác lên mình “áo” mới, thậm chí gần như là sang tay chủ mới theo nhiều hình thức khác nhau.

Tọa lạc tại ngã 3 Lê Duẩn - Nguyễn Thái Học - Điện Biên Phủ, tòa nhà kim cương Doji Tower được biết đến là trung tâm vàng bạc đá quý lớn cả nước của Tập đoàn DOJI. Tuy vậy ít ai biết, lô đất vàng diện tích 1.624m2 này thực chất thuộc quyền quản lý của Hapro, bằng 1 hợp đồng hợp tác đầu tư, lô đất vàng đã về tay DOJI. Theo nội dung hợp đồng, Hapro được hưởng phần quyền lợi cố định là sử dụng sàn tầng 4, sàn tầng hầm 1 và sàn tầng hầm 3, cùng với số tiền phí được nhận 134 tỷ đồng. Sau khi hợp đồng hợp tác được ký, mọi điều chỉnh sau này đều do DOJI xúc tiến và thụ hưởng.

Số phận lô đất vàng 132 Nguyễn Trãi và dấu ấn Khoáng sản Hợp Thành
Phối cảnh tòa nhà Doji Tower

Dự án trên đất vàng 132 Nguyễn Trãi: Kịch bản hợp tác đầu tư dang dở

Giống với lô đất số 5 Lê Duẩn, lô đất vàng 132 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội cũng có “đường đi” khá giống, bằng hợp đồng hợp tác đầu tư.

Tháng 4/2002 UBND thành phố có quyết định thu hồi 4.077m2 đất tại phường Thượng Đình giao BQLDA quận Thanh Xuân để xây dựng, mở rộng chợ Thượng Đình.

Đến tháng 3/2009 UBND quận Thanh Xuân có công văn, giao nguyên trạng chợ Thượng Đình về cho Tổng công ty Thương mại Hà Nội. Và tháng 4/2009 UBND thành phố quyết định chuyển giao quản lý chợ Thượng Đình cho Hapro để xây dựng Trung tâm thương mại – chợ Thượng Đình.

Tháng 1/2010 Hapro quyết định chọn CTCP Đầu tư xây dựng Nhà Đất là đối tác chiến lược trong dự án này. Nội dung hợp đồng hợp tác giữa 2 bên phân chia lợi nhuận như sau:

+ 12 tỷ đồng tiền lợi nhuận sau thuế ứng trước (công ty Nhà Đất đã chuyển 6 tỷ đồng, còn 6 tỷ đồng đang được Hapro ghi nhận ở dạng “phải thu”).

+ Hapro được quyền sở hữu riêng 1 phần diện tích sàn công trình. Phần diện tích sàn này được ghi rõ trong các trường hợp:

* Nếu công năng dự án là sàn thương mại và văn phòng: Được sở hữu 2.200m2 sàn thương mại, không phải trả chi phí đầu tư, nằm ở tầng 1.

* Nếu trường hợp được chuyển đổi mục đích sử dụng, có một phần là nhà ở, thì quyền lợi của Hapro như sau: Diện tích sàn thương mại tối thiểu 1.000m2, nằm tại tầng 1; còn phần suất đầu tư nhà ở được quy đổi theo tỷ lệ nhất định tùy thuộc diện tích sàn thương mại còn thiếu.

+Hapro được quyền sử dụng 20 chỗ để xe, 100 xe máy tại tầng hầm (có trả phí cho BQL tòa nhà).

Sau khi đạt hợp đồng thỏa thuận với công ty Nhà Đất, tháng 3/2010 Hapro gửi công văn, xin phép chấp thuận cho Tổng công ty và Công ty Nhà Đất là đồng chủ đầu tư dự án TTTM Dịch vụ Hapro Thượng Đình, đồng thời chủ trì việc hợp khối khu đất chợ Thượng Đình và các khu đất liền kề dự án (CTCP Lương thực Hồng Hà, CTCP Xây dựng công trình giao thông Việt Lào).

Tháng 9/2010 UBND thành phố Hà Nội có công văn về chủ trương triển khai dự án TTTM Hapro Thượng Đình. Tháng 5/2011 dự án được chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ. Theo đó đây là khu TTTM kết hợp văn phòng và nhà ở cao tầng. Dự án gồm 2 tòa tháp, cao nhất 30 tầng.

Số phận lô đất vàng 132 Nguyễn Trãi và dấu ấn Khoáng sản Hợp Thành
Phối cảnh dự án TTTM tại 132 Nguyễn Trãi

Tháng 10/2011 Hapro có bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tổng công ty Thương mại Hà Nội, CTCP Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà Đất và Tổng công ty xây dựng công trình 8. Cùng tháng 10/2011, 3 bên có hợp đồng hợp tác đầu tư dự án.

Tuy vậy, dự án chưa hoàn thành, tháng 8/2014 UBND thành phố ra thông báo về ý kiến chỉ đạo liên quan kết luận thanh tra dự án B5 Cầu Diễn và một số dự án khác do CTCP Tập đoàn đầu tư Nhà Đất thực hiện trên địa bàn.

Theo đó, dự án TTTM Hapro Thượng Đình phải bị tạm dừng do Chủ tịch HĐQT công ty Nhà Đất là bà Châu Thị Thu Nga bị bắt liên quan sai phạm tại các dự án đầu tư. Cùng với đó, Cơ quan cảnh sát điều tra C46 cũng làm rõ những sai phạm của bà Nga và công ty trong việc hợp tác với Hapro và các đơn vị có đất liền kề.

Trước tình hình đó, Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh thương mại Hải Âu, một trong các bên chịu tổn thất lớn tại dự án, có báo cáo lên C46 về việc cho công ty hợp tác với các bên có đất để tiếp tục triển khai dự án và giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên.

Dấu ấn "cá mập" Hợp Thành - công ty chuyên thực hiện các thương vụ M&A đình đám

Do vậy Hapro đã ký biên bản thỏa thuận tháng 12/2015 với công ty Hải Âu và CTCP Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành về việc kế thừa, triển khai dự án. Các bên liên quan vẫn chờ kết luận điều tra cuối cùng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an C46.

CTCP Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành thành lập tháng 5/2007 do bà Trần Thị Quỳnh Yên làm Giám đốc.

Tháng 11/2019 công ty cập nhật thông tin tăng vốn điều lệ từ 660 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng, thời điểm này ông Nguyễn Thanh Long làm Tổng Giám đốc. Ông Nguyễn Văn Phi tiếp nhận vị trí Giám đốc từ tháng 1/2020 đến nay.

Khoáng sản Hợp Thành nổi tiếng trên thương trường qua các thương vụ thâu tóm đình đám. Câu chuyện bắt đầu nổi lên từ thương vụ thâu tóm Cảng Quy Nhơn (QNP).

Số phận lô đất vàng 132 Nguyễn Trãi và dấu ấn Khoáng sản Hợp Thành
Cảng Quy Nhơn

Theo đề án cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, sau cổ phần hóa, công ty có vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng, do Nhà nước nắm 75%; người lao động 4,81%; công đoàn 0,19%; nhà đầu tư chiến lược 10% và nhà đầu tư thông thường 10%. Theo lộ trình, giai đoạn 2014-2015 Nhà nước tiếp tục thoái 26% xuống còn 49%.

Khoáng sản Hợp Thành bất ngờ “nổi” lên khi tháng 11/2016, ngay trước khi Cảng Quy Nhơn đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, đã chuyển nhượng bớt 3,31 triệu cổ phần, giảm lượng sở hữu sau giao dịch xuống còn hơn 31,53 triệu đơn vị (tỷ lệ 78%).

Sự kiện khiến Thanh tra Chính phủ vào cuộc điều tra. Kết luận thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn chỉ ra rất nhiều sai phạm, trong đó xác định phương thức chuyển nhượng vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn không rõ ràng. Ban đầu việc thoái vốn được chỉ đạo bán đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán, nhưng sau đó lại là thỏa thuận trực tiếp với công ty Hợp Thành. Đồng thời, lộ trình thoái vốn Nhà nước không theo đề án cổ phần hóa đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó việc lựa chọn Hợp Thành là nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa cũng có nhiều khuyết điểm, vi phạm: Công ty Hợp Thành không có kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển.

Theo kết luận thanh tra, việc chuyển nhượng cổ phần cho công ty Hợp Thành chưa đúng quy định, phải xử lý, thu hồi về sở hữu Nhà nước. Câu chuyện thu hồi cũng phát sinh loạt hệ lụy sau đó, liên quan việc định giá cảng Quy Nhơn.

Khoáng sản Hợp Thành còn được nhắc tới với thương vụ thâu tóm đất vàng 69 Nguyễn Du; từng ghi tên trong thương vụ chuyển nhượng khách sạn Daewoo…

Xem thêm tại nguoiquansat.vn