'Soi' kịch bản để lên danh mục đầu tư chứng khoán trong tháng cuối năm

Sau những phiên phục hồi đáng kể, thị trường tiếp tục kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ hướng trở lại mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại về kịch bản chỉ số chính trở lại về mức 1.200 điểm.

3 kịch bản cho thị trường

Dự báo về thị trường chứng khoán vì thế được phân thành 3 kịch bản: một là hướng đến mốc 1.300 điểm, hai là điều chỉnh dần về 1.200 điểm, ba là kịch bản mang tính trung bình - thị trường sẽ đi ngang. Và, giới chuyên môn đang nghiêng về kịch bản thị trường sẽ tiếp cận mốc 1.300 điểm.

Một lý do khiến thị trường khó giảm sâu hơn, về dưới mốc 1.200 điểm, hầu hết các nhà phân tích theo xu hướng kỹ thuật đều cho rằng, trong ngắn hạn, chỉ số VN-Index đã củng cố nền tảng hỗ trợ vững chắc tại vùng tâm lý quan trọng này.

-6932-1733389979.jpg

Giới chuyên môn đang nghiêng về kịch bản thị trường sẽ tiếp cận mốc 1.300 điểm.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS), kịch bản thị trường giảm sâu khó xảy ra, vì trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại mạnh tay bán ròng trong thời gian qua nhưng mốc 1.200 điểm vẫn chưa bị xuyên thủng, cho thấy đây là nền hỗ trợ cứng. Bên cạnh đó, điểm tích cực khác là dòng tiền nội đang trở lại nhưng vẫn tương đối thận trọng, cũng như chỉ số VN-Index đã dao động trong biên rộng nhưng đang được thu hẹp dần.

“Nếu trong trường hợp chỉ số VN-Index xây nền tại mốc 1.255 điểm kèm thanh khoản tăng thì xác nhận chỉ số ổn định và tiếp tục phục hồi vào cuối năm. Song, vùng 1.300 điểm cũng là vùng kháng cự mạnh và xác nhận năm nay chưa thể vượt qua ngay”, ông Sơn bình luận.

Nhìn chung, kịch bản hiện nay đặt cược vào hai câu chuyện, một là diễn biến quốc tế và hai là sự phục hồi của các doanh nghiệp nội địa. Giai đoạn cuối năm hiện nay cũng là thời điểm có nhiều thông tin đang được chờ đợi, không chỉ câu chuyện quốc tế như Fed giảm lãi suất, Tổng thống đắc cử Mỹ sắp nhậm chức, mà cả câu chuyện trong nước như thay đổi hệ thống giao dịch, nâng hạng thị trường và vĩ mô hơn là tăng trưởng GDP liệu có tích cực.

Trong báo cáo mới đây, Agriseco Research đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV sẽ cao hơn so với các quý trước nhờ các chính sách tài khóa, tiền tệ và kích cầu tiêu dùng được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước mới có quyết định điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế trong tháng cuối năm.

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá đang hạ nhiệt và khối ngoại có dấu hiệu ngừng bán ròng, Agriseco cho rằng đây là giai đoạn phù hợp để giải ngân trở lại sau khi thị trường tạo đáy ngắn hạn trong tháng 11 và P/E hiện tại của VN-Index ở mức 13,0x lần, tương đối hấp dẫn khi thấp hơn so với trung bình 5 năm vừa qua. 

Chọn "trứng" bỏ "giỏ"

Theo đó, nhóm phân tích lựa chọn những doanh nghiệp đầu ngành, định giá đang ở vùng hợp lý, kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2024 tăng trưởng tích cực để xây dựng danh mục đầu tư tháng 12.

Trong nhóm công nghệ, Agriseco tin rằng Tập đoàn FPT (FPT) có triển vọng tốt nhờ lợi nhuận theo tháng của FPT tiếp tục tăng. Triển vọng dài hạn của FPT đến từ chất bán dẫn, AI. Hơn nữa, FPT có tiềm lực tài chính tốt, duy trì chính sách cổ tức đều đặn.

Với nhóm logistics, CTCP Gemadept (GMD) được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ dự án cảng Nam Đình Vũ và dự án cảng nước sâu Gemalink.

Một doanh nghiệp khác cũng được Agriseco dự báo đầy triển vọng là Tập đoàn Hòa Phát (HPG), với động lực chính từ thép xây dựng trong nước khi nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng cao; hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm và triển vọng từ dự án khu liên hợp Dung Quất 2. Agriseco Research đánh giá mức giá hiện tại là phù hợp để nắm giữ dài hạn đối với cổ phiếu HPG.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, Nhà Khang Điền (KDH) là cái tên được kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý IV khởi sắc nhờ bàn giao dự án bất động sản.

Cùng với tình hình tài chính khá an toàn, Nhà Khang Điền còn sở hữu quỹ đất trên 600ha tại khu vực phía Đông TP. HCM với hàng loạt các dự án có tiềm năng tăng giá, dự kiến sẽ giúp thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, Cơ điện lạnh (REE) được dự báo có triển vọng tăng trưởng tốt nhờ mảng thủy điện; mảng cơ điện lạnh cũng được đảm bảo với khối lượng backlog lớn.

Trong nhóm ngân hàng, Agriseco đánh giá Vietcombank (VCB) có chất lượng tài sản an toàn đứng đầu hệ thống. Cùng với đó, kế hoạch bổ sung vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022, 2023 theo quy định (ước tính 45.900 tỷ đồng) của nhà băng này kỳ vọng được chấp thuận trong thời gian tới, qua đó tạo hiệu ứng tích cực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Bao quát về nhóm ngành, dựa trên triển vọng lợi nhuận và định giá, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích FiinGroup đưa ra hai nhóm tiềm năng.

Thứ nhất, nhóm ngân hàng được nhận định là mặt bằng tăng trưởng lợi nhuận chưa tương xứng với điều kiện thuận lợi sẵn có. Theo đó, ngành ngân hàng có thể hưởng lợi từ đầu tư tư nhân và tín dụng tăng trở lại. Mặt khác, nhóm ngân hàng cũng đang có mặt bằng định giá khá thấp, tương đương trung bình 5 năm và trung vị.

Thứ hai, nhóm bất động sản cũng được đánh giá cao nhờ động thái tháo gỡ chính sách và sự hồi phục của thị trường bất động sản, song cũng không nên quá kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, định giá hấp dẫn cũng là động lực hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu này.

Ngoài ra, với ngành xây dựng vật liệu, chuyên gia FiinGroup cho rằng các doanh nghiệp trong ngành có cơ hội hưởng lợi từ giải ngân vốn đầu tư công tích cực hơn trong năm tới, song dự kiến cuối năm 2025 mới thể hiện vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngành thép, ngoài câu chuyện hồi phục từ đáy vẫn còn câu chuyện tăng trưởng nhờ xuất khẩu hay bất động sản hồi phục. Dù nhóm này có định giá đang thấp hơn trung bình 5 năm, nhưng vẫn cao hơn mức trung vị. Để định giá có thể về vùng hợp lý, lợi nhuận phải tăng trưởng 30-40% nhưng rất khó đạt được trên mức nền cao như năm 2024.

Nhóm bán lẻ cũng được kỳ vọng nhờ cầu tiêu dùng cải thiện mạnh hơn khi thu nhập người dân cải thiện, chu kỳ thay thế sản phẩm giúp doanh nghiệp duy trì tăng trưởng lợi nhuận tích cực.

Tuy nhiên, bà Vân cho rằng định giá nhóm bán lẻ đang ở mức cao hơn trung bình 5 năm và trung vị cho thấy kỳ vọng cao tương lai cho nhóm này. Để định giá về vùng hợp lý, lợi nhuận nhóm bán lẻ phải tăng trưởng 40-50% trong năm 2025, nhưng xác suất này khó xảy ra, nên nhóm này đang bị định giá khá đắt.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn