Sonadezi rót thêm 562 tỷ đồng vào SZC trước thềm thoái vốn

Tổng công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi, UPCoM: SNZ) vừa thông qua việc thực hiện toàn bộ hơn 56,2 triệu quyền mua cổ phiếu SZC theo phương án phát hành của Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức (HoSE: SZC).

Theo đó, số lượng cổ phiếu SZC mà SNZ mua vào là hơn 28,1 triệu đơn vị, giá mua là 20.000 đồng/cổ phiếu tương đương số tiền dự kiến bỏ ra là hơn 562 tỷ đồng. Mức giá này thấp hơn thị giá của SZC trên thị trường chứng khoán khoảng 55%.

SNZ cho biết sẽ thực hiện rót thêm vốn vào SZC trước, sau đó thực hiện thoái vốn theo lộ trình của đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt trước đó.

Theo đề án này, SNZ sẽ thoái vốn tại một loạt công ty thành viên trong các lĩnh vực như BĐS khu công nghiệp, vật liệu, xây dựng...

Trong đó, tại các công ty kinh doanh hạ tầng sở hữu các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy đạt dưới 70%, SNZ sẽ thoái vốn xuống còn 46%; với tỷ lệ lấp đầy từ 70% trở lên, SNZ sẽ thoái vốn xuống còn 36%. Ngoài ra, SNZ còn có kế hoạch thoái sạch vốn tại các 5 công ty liên kết.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), SNZ sẽ bán khoảng 19,5 triệu cổ phiếu SZC (bao gồm cả phần cổ phiếu mua mới từ đợt phát hành thêm) để giảm sở hữu từ 46,84% xuống còn 36%.

Về kế hoạch phát hành của SZC, doanh nghiệp này dự kiến chào bán 60 triệu cổ phiếu để huy động gần 1.200 tỷ đồng từ cổ đông. Trong đó, SZC sẽ sử dụng 800 tỷ đồng để tái cơ cấu các khoản nợ vay với các tổ chức tín dụng và thanh toán gốc lãi trái phiếu đến hạn, 400 tỷ đồng còn lại sẽ bổ sung nguồn vốn đầu tư, xây dựng dự án khu công nghiệp Châu Đức tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo MBS, đòn bẩy tài chính của SZC tăng mạnh kể từ khi dự án Sonadezi Hữu Phước được khởi công từ cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ vay/ vốn chủ sở hữu cuối năm 2023 đạt 154%, cao hơn các doanh nghiệp cùng ngành.

Tuy nhiên, MBS cho rằng áp lực tài chính của SZC sẽ được giảm bớt sau khi doanh nghiệp dùng tiền từ phát hành vốn để trả nợ vay.

Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu có thể giảm xuống 81% trong năm 2024, tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ tăng trở lại 82% vào năm 2025 bởi nhu cầu vốn cho xây dựng, phát triển dự án bất động sản nhà ở của SZC là rất lớn.

Trong giai đoạn 2024-2025, MBS dự phóng doanh thu từ mảng khu công nghiệp của SZC có thể đạt lần lượt 814 tỷ đồng và 1.031 tỷ đồng (tăng 19% và tăng 27% so với mức thực hiện cùng kỳ) với kỳ vọng giá thuê đất khu công nghiệp tăng trưởng 10%/năm được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI.

Các dự án trọng điểm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dần hoàn thiện giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, thu hút dòng vốn đầu tư. Đặc biệt, khu công nghiệp Châu Đức nằm ngay cạnh tuyến đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu là một lợi thế cạnh tranh so với các khu công nghiệp khác.

Đối với mảng bất động sản nhà ở, doanh thu giai đoạn 2024-2025 có thể đạt lần lượt 87 tỷ đồng và 162 tỷ đồng (tương đương tăng 20% và tăng 86% so với mức thực hiện cùng kỳ) bởi kỳ vọng thị trường bất động sản phục hồi từ cuối năm 2024.

MBS dự phóng lợi nhuận ròng của SZC năm 2024-2025 đạt lần lượt 333 tỷ đồng (tăng 52%) và 432 tỷ đồng (tăng 30%).

Xem thêm tại vietnamfinance.vn