Sóng bộ ba cổ phiếu ‘bank, chứng, thép’ liệu có trở lại?
Theo dõi giao dịch cho thấy cổ phiếu của doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép diễn biến tích cực trong nửa tháng qua với mức tăng giá từ 5 – 10% so với vùng đáy thiết lập giữa tháng 9. Cổ phiếu HPG của Hòa Phát đang giao dịch ở vùng giá cao nhất hai tháng qua. Đây là diễn biến tương tự với HSG và NKG.
Có phần khởi sắc hơn, cổ phiếu ngân hàng thay phiên nhau dẫn sóng trong các phiên giao dịch. Kịch bản ngày lặp lại trong giai đoạn đầu năm khi nhóm cổ phiếu vua thay nhau tăng giá và trở thành động lực chính dẫn dắt VN-Index tiến lên mốc 1.300 điểm.
Nhịp tăng của cổ phiếu ngân hàng kéo dài trong nhiều phiên liên tiếp. Sóng tăng giá rõ nét nhất có thể nhận thấy ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân như ACB, STB, VPB, TPB, OCB, VIB, MSB, EIB.
Mức tăng của các mã phổ biến trong vùng 10 – 15%, đột biến có những cái tên mang lại mức lãi 20% cho nhà đầu tư nắm giữ. Sau giai đoạn tăng giá, phần lớn cổ phiếu ngân hàng đang tiệm cận vùng giá đỉnh lịch sử thiết lập trong con sóng tăng giá đầu năm. Số ít cổ phiếu thiết lập mức đỉnh mới.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán giao dịch khởi sắc theo chiều hướng chung của thị trường nhưng mức tăng có phần kém hơn nhóm cổ phiếu vua.
Với những gì đang diễn ra hiện nay, nhiều nhà đầu tư liên tưởng đến kịch bản trong hai năm 2021 – 2022 khi bộ ba cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép chạy đua tăng giá. Khi đó, cộng đồng nhà đầu tư đặt cho một cái tên thú vị là sóng cổ phiếu “bank, chứng, thép”, cách gọi liên tưởng đến một bộ phim truyền hình mang tên “Bằng chứng thép”.
Trở lại với diễn biến trong giai đoạn hiện tại, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu của Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá cổ phiếu thép có thể kỳ vọng cả trong ngắn và dài hạn. Hai yếu tố kỳ vọng với cổ phiếu thép được đại diện từ VPBankS chỉ ra khi chia sẻ trên chương trình Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng phát sóng mới đây.
Trong nước, tiêu thụ thép xây dựng phụ thuộc rất nhiều từ sự phục hồi của thị trường bất động sản dân cư và nhà ở. Yếu tố thứ hai là ảnh hưởng từ thị trường thép Trung Quốc giai đoạn gần đây. Những tín hiệu từ Trung Quốc như bơm thẳng 140 tỷ USD hay giảm lãi suất cho vay thế chấp nhà ở, tăng cường chính sách kích cầu mua nhà trong nước, qua đó kỳ vọng lượng tiêu thụ tăng lên và giảm áp lực cạnh tranh giữa thép Trung Quốc với thép trong nước.
“Ngành thép trong 6 tháng đầu năm có sự phục hồi đáng mừng về sản lượng lẫn tiêu thụ của các mặt hàng cũng như biến động giá. Điều đó đã phản ánh vào sự phục hồi lợi nhuận của Hòa Phát trong nửa đầu năm. Tôi cho rằng xu hướng này còn tiếp tục đến cuối năm 2024”, ông Đào Hồng Dương nói trên chương trình.
Còn với cổ phiếu ngân hàng, nhà phân tích đến từ VPBankS cho rằng đây luôn là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư trong một big trend (xu hướng lớn và dài – PV).
Về mặt vốn hóa, ngành ngân hàng chiếm trên 60% tổng vốn hóa thị trường. Về mặt giao dịch, ngành ngân hàng thường dẫn sóng, rất khó để có được biểu đồ phân tích kỹ thuật đẹp để đi vào big-trend nếu ngành ngân hàng không tăng. Về thanh khoản, ngành ngân hàng chiếm từ 28 – 42% tổng khớp lệnh thị trường. Đây là lựa chọn tốt cho các quỹ đầu tư lớn, bởi họ sẽ rót tiền vào nhóm có thanh khoản lớn.
Nói thêm về kết quả kinh doanh, ngành ngân hàng chiếm khoảng 52% tổng lợi nhuận trước thuế của sàn niêm yết. Cho nên ngành ngân hàng có thể được coi như “hàn thử biểu” quan trọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Với nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, một thông tin quan trọng có tác động gần đây là việc gỡ rào cản ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và chính thức được áp dụng đầu tháng 11 tới. Điều này kỳ vọng nút thắt nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo tiêu chí của FTSE Rusell được tháo gỡ. Bên cạnh đó là xu hướng tăng vốn của công ty chứng khoán cũng được kỳ vọng tạo nên sự sôi động.
Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra không mấy lạc quan với kết quả kinh doanh quý III của nhóm chứng khoán khi đối mặt với nhiều thách thức như sức ép cạnh tranh lớn của ngành, thanh khoản thị trường èo uột.
Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh lợi nhuận nửa đầu năm, nhóm chứng khoán chưa “lọt mắt xanh” của giới phân tích. Đơn cử, Khối phân tích của Chứng khoán Agribank (Agriseco) đưa ra dự báo 5 nhóm ngành có mức tăng trưởng cao như phân bón, bán lẻ, chăn nuôi, ngân hàng, logistic.
Bên cạnh kỳ vọng trên, kết quả kinh doanh quý III của một số đơn vị ngành chứng khoán công bố cũng có sự phân hóa. Đây có thể là xu hướng chính của mùa báo cáo quý III với nhóm ngành chứng khoán.
Xem thêm tại vietnambiz.vn