Sông Cấm: Biểu tượng phồn vinh của đất Cảng
Từ sứ mệnh lịch sử…
Sông Cấm là một nhánh của sông Kinh Thầy, hợp với sông Vận chạy qua địa phận làng Cấm, huyện An Dương, Hải Phòng. Sông chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, rồi chuyển hướng Đông, Đông Nam, đổ ra biển tại cửa Cấm. Sông dài 37km, rộng trung bình từ 400-600m, sâu từ 6-8m.
Sở dĩ, sông có tên “Cấm” vì chảy qua làng Cấm. Vùng đất cửa sông này, từ thời phong kiến, đã là nơi tàu thuyền có thể từ biển Đông ngược lên Thăng Long và vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ nhanh và thuận tiện nhất, nên có lẽ vì thế mà cha ông ta đã cấm người nước ngoài vào lối sông này.
Mãi đến những năm 1885 - 1890, người Pháp bắt đầu xây dựng cầu tầu nổi, kho bãi… Lúc mới mở, cảng Hải Phòng còn được gọi là bến Sáu kho, bởi ở đây có 6 kho hàng lớn được xây dựng phục vụ lưu kho, cất giữ hàng hóa cập cảng.
Bờ nam sông Cấm vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ngoài cảng Hải Phòng đã có một loạt các nhà máy được xây dựng. Đó là Nhà máy điện Cửa Cấm (hoàn thành năm 1894, nay thuộc phường Máy Chai), cũng là nhà máy điện đầu tiên ở Đông Dương; Nhà máy Xi măng Hải Phòng (khởi công năm 1899, nay thuộc phường Thượng Lý), cũng là nhà máy xi măng đầu tiên ở Đông Dương; Nhà máy Phốt phát, Nhà máy Chỉ (ở khu vực Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng ngày nay); Hãng dầu lửa Pháp Á, hãng Shell của Pháp, hãng dầu Standa của Mĩ… lần lượt đặt kho kinh doanh xăng dầu tại vùng đất ven sông Cấm thuộc làng Thượng Lý (nay thuộc phường Sở Dầu). Như vậy, dải đất ven sông Cấm (từ phường Sở Dầu đến phường Máy Chai ngày nay) vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ và cảng không chỉ của thành phố Hải Phòng mà còn của cả miền Bắc Việt Nam.
…đến quyết tâm vươn ra biển lớn
Trên thuyền xuôi theo dòng sông Cấm, chúng ta sẽ bắt gặp những bến cảng có diện tích rất lớn, cùng với đó là hàng cẩu trục to cao sừng sững vươn ra hàng chục mét về phía lòng sông và hình ảnh tàu thuyền luôn tấp nập di chuyển, cập cảng, bốc và xếp hàng. Dọc theo bờ nam, có thể kể tên hàng loạt thương cảng nội địa nổi tiếng mà hầu như người dân Hải Phòng nào cũng thuộc tên, như: Cảng An Hoà, Cảng Vật Cách, Cảng Tiến Mạnh, Cảnh Nam Ninh, Cảng MIPEC, Cảng Hải Phòng, Cảng Đoạn Xá, Cảng Vicoship, Cảng Green Port, Cảng Chùa Vẽ, Cảng Tân Hồng, Cảng 128.
Từ đoạn sông Cấm hợp dòng với sông Đá Bạc, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra sự hiện diện của hàng loạt cảng quy mô khủng khác, như: Tân Cảng 189, PTSC Đình Vũ, cảng Đình Vũ, cảng Tân Vũ, cảng Nam Hải Đình Vũ và cảng Hải An. Trung bình diện tích mặt bằng các cảng này đều lên đến hàng chục ha.
Hiện nay, chính quyền thành phố Hải Phòng vẫn đang dành nguồn lực lớn để tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống cảng biển và hệ thống kết nối liên vùng. Đồng thời, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư những “siêu cảng” cửa ngõ quốc tế như Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đến năm 2025 là 9 bến. Đến năm 2030, tổng số bến được tiếp tục phát triển lên đến 23 bến. Đây đều là những cảng biển có độ sâu ngấn nước trên 17m, có thể tiếp nhận những tàu hàng lớn nhất thế giới. Tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án xây dựng bến số 7, số 8 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng.
Bên cạnh các bến cảng lớn, sông Cấm còn là nơi nhiều công ty đóng tàu lớn như Nhà máy đóng tàu Sông Cấm, đóng tàu Bình An, đóng tàu Bạch Đằng. Nhà máy đóng tàu Damen – Sông Cấm được lập năm 2007 với vốn điều lệ gần 855 tỷ đồng. Khu tổ hợp nhà máy đóng tàu Damen Sông Cấm tại Thủy Nguyên, Hải Phòng có diện tích 42 ha với tổng vốn đầu tư đạt 65 triệu euro. Về hoạt động kinh doanh, doanh thu thuần Đóng tàu Sông Cấm trong quí III năm 2023 đạt 568 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng hơn 46 tỷ đồng, đạt 181% kế hoạch lợi nhuận năm.
Theo thống kê, trong năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng đạt 91,7 triệu tấn. Trong năm 2022 Sản lượng hàng qua cảng +11,85% so với năm 2021. 11 tháng đầu năm 2023, các cảng biển Hải Phòng đã xuất, nhập hàng hoá đạt 150,19 triệu tấn. Hải Phòng phấn đấu đến năm 2030, trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, trong đó hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 600 triệu tấn.
Về hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp cảng biển Hải Phòng cũng ghi nhận sự phát triển nhanh chóng cả về chất lượng dịch vụ cảng biển và doanh thu. Công ty cổ phần Cảng Xanh V.I.P, ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 đạt gần 642 tỷ đồng, tăng thêm 6.8% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cổ phần Cảng Đoạn Xá (HNX: DXP) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 với doanh thu đạt 85 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước đó, lãi sau thuế hơn 30 tỉ đồng. Cảng PTSC Đình Vũ của Công ty cổ phần Cảng Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ (UPCoM: PSP) báo doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 gần 175 tỷ đồng, tăng thêm gần 35 tỷ so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 4 tỷ đồng.
Ông lớn Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đang nắm giữ loạt cảng lớn như cảng Hoàng Diệu, cảng Tân Vũ, cảng Hải Phòng, cảng Chùa Vẽ và hai bến container số 3 và số 4 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Cảng Hải Phòng ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 hơn 1.580 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp gần 618 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Kế tiếp là Gemadept, doanh nghiệp quản lý cảng Nam Hải, cảng Nam Hải Đình Vũ, cảng Nam Hải ICD. Gemadept ghi nhận doanh thu bán hàng hơn 577 tỷ đồng, doanh thu tài chính hơn 2.570 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế hơn 2.180 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023. Được biết, ngày 31/5/2023, Gemadept đã chuyển nhượng vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ. Ngoài sở hữu nhiều cảng tại Hải Phòng, Gemadept còn sỡ hữu nhiều cảng lớn như cảng nước sâu Cái Mép, cảng Phước Long, cảng Dung Quất, cảng Bình Dương…
Xem thêm tại vietnamfinance.vn