"Sống chung" với taxi công nghệ, các ông lớn taxi truyền thống đang làm ăn ra sao?
Từng là hai hãng taxi truyền thống thống lĩnh thị trường, nhưng sự xuất hiện và phát triển thần tốc của dịch vụ taxi công nghệ (Grab, Be, GoJek...) đã khiến thị phần của Vinasun và Mai Linh dần bị thu hẹp, kéo theo doanh thu và lợi nhuận giảm sút.
Thêm vào đó, “cú bồi” trong hai năm đại dịch àm cho hai hãng taxi truyền thống tăng trưởng âm nhiều quý liên tiếp và mới có lãi trở lại từ năm 2022. Tuy nhiên, sự ra đời của taxi Xanh SM cũng như sự chuyển hướng mạnh mẽ của Be Group đang đặt ra những thách thức mới với Vinasun và Mai Linh.
Cùng “hồi sinh”, Vinasun cho Mai Linh “hít khói”
Năm 2022, sau 2 năm liên tiếp thua lỗ vì đại dịch, ban lãnh đạo CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đã đặt ra mục tiêu "bằng mọi giá phải có lãi" để không bị hủy niêm yết cổ phiếu.
Để thực hiện mục tiêu này, Vinasun đẩy nhanh việc thanh lý xe nhằm giảm chi phí khấu hao và hạn chế thấp nhất số lượng xe nằm bãi. Đồng thời, chạy đua để khôi phục thị phần tại TP.HCM, bắt tay với đối tác trong lĩnh vực công nghệ, thanh toán và tìm kiếm thêm khách hàng trả sau.
Kết quả, công ty bắt đầu có lãi trở lại từ quý 1/2022 và khép lại năm với mức doanh thu gần 1.090 tỷ đồng, lãi sau thuế 185 tỷ đồng, gấp gần 8 lần kế hoạch.
Tận dụng đà hồi phục, quý 1/2023 Vinasun tiếp tục ghi nhận quý tăng trưởng thứ 5 liên tiếp với doanh thu gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, đạt 325 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 53 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ và hoàn thành 25% kế hoạch năm. Trong quý 1, số lượng xe của Vinasun tham gia hoạt động đạt tỷ lệ 100%.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa qua, Vinasun đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2023 đạt 1.345 tỷ đồng, tăng 23,5% so với thực hiện năm 2022 và mục tiêu lãi sau thuế hơn 209 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ - mức cao nhất kể từ 2017 đến nay.
Năm nay, Vinasun dự kiến đầu tư thêm 700 xe, thanh lý và bán trả chậm cho lái xe để kinh doanh dưới hình thức thương quyền khoảng 450 xe. Phát triển số lượng xe hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài hoặc công ty tự thuê vận hành khoảng 150 xe. Ước tính đội xe đến cuối năm có hơn 3.500 chiếc.
Bức tranh kết quả kinh doanh của Vinasun hiện tại đã khác xa so với hai năm đại dịch 2020-2021, khi công ty lỗ 8 quý liên tiếp với mức lỗ tổng cộng gần 488 tỷ đồng. Giai đoạn này, Vinasun cũng buộc phải cắt giảm nhân sự để đảm bảo hoạt động. Theo đó, quy mô nhân sự đến cuối năm 2021 còn 1.877 người, giảm 2.521 người, tương ứng giảm 57,3% so với đầu năm. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp số lượng nhân viên nghỉ việc tại Vinasun lên đến hàng nghìn người/năm.
Hai năm đại dịch COVID-19 cũng là thời điểm lao đao nhất với đối thủ lâu năm của Vinasun là CTCP Tập đoàn Mai Linh với mức lỗ sau thuế lần lượt là 185 tỷ đồng và 272 tỷ đồng, nối dài chuỗi 4 năm thua lỗ liên tiếp kể từ năm 2018.
Tuy nhiên, giống như Vinasun, từ năm 2022, Mai Linh đã có lãi trở lại dù mức lãi chỉ “mang tính tượng trưng”. Năm qua, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 55% so với năm 2021, đạt gần 1.647 tỷ đồng song lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng, lỗ lũy kế giảm xuống còn hơn 1.393 tỷ đồng.
Sau khi trừ lợi ích của cổ đông thiểu số, lợi nhuận của công ty mẹ vẫn âm 1,8 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 254 tỷ đồng của năm 2021, nhưng vẫn tụt lại khá xa so với Vinasun.
Để khôi phục lại thị phần, mới đây, Mai Linh vừa đầu tư mới thêm 200 taxi ngay dịp nghỉ lễ vừa qua. Đồng thời, tăng cường số lượng xe hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài. Dự kiến, trong nửa cuối năm 2023, tập đoàn này tiếp tục đầu tư thêm nhiều xe để phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân trên toàn quốc.
Vừa trở lại đã “đụng” đối thủ mạnh
Vinasun và Mai Linh từng là hai doanh nghiệp bá chủ thị phần taxi truyền thống với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng bắt đầu từ khi có sự gia nhập của các dịch vụ taxi công nghệ như Grab, Be, Gojek,… miếng bánh thị phần của Vinasun và Mai Linh đã dần bị thu hẹp.
Sự mới mẻ cộng với chính sách trợ giá đã khiến cho dịch vụ taxi công nghệ ngày càng phổ biến và xâm chiếm thị phần của các hãng taxi truyền thống, kéo theo đó là cuộc chiến của những người đến trước và đến sau trên thị trường vận tải taxi.
Và khi cuộc chiến này vừa tạm lắng xuống khi Grab và Gojek “giảm tốc” trong cuộc đua “đốt tiền” để chiếm lĩnh thị phần thì các hãng taxi truyền thống nói chung và Vinasun, Mai Linh nói riêng lại tiếp tục phải đối mặt với “người khổng lồ” mới – taxi điện Xanh SM.
Sự gia nhập của CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) với quy mô đầu tư 10.000 ô tô và 100.000 xe máy, hoạt động với 2 mảng chính là taxi điện và cho thuê ô tô - xe máy điện dưới sự hậu thuẫn của Tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng đã đặt Vinasun và Mai Linh trước bài toán phải nhanh chóng chuyển đổi để thích ứng và giữ thị phần.
Sau nửa tháng “chào sân” ở Hà Nội với 600 xe, từ cuối tháng 4/2023, 600 taxi Xanh SM tiếp tục tiến quân vào TP.HCM – địa bàn đã gắn liền với Vinasun từ nhiều năm nay.
Việc taxi Xanh SM gia nhập thị trường đã buộc các doanh nghiệp vận tải taxi khác phải thay đổi |
Việc Xanh SM thần tốc mở rộng và dẫn đầu xu hướng chuyển sang xe điện đã khiến cho nhiều cổ đông của Vinasun lo lắng, đặt câu hỏi cho các lãnh đạo của hãng taxi này về khả năng ảnh hưởng đến Vinasun tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 mới đây.
Chia sẻ với các cổ đông, ông Trần Anh Minh, Phó Tổng giám đốc Vinasun nhấn mạnh, bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khi có thêm đối thủ cạnh tranh đều sẽ có tác động đến thị phần.
“Với sự xuất hiện của xe điện, Vinasun chắc chắn cần phải cải thiện chất lượng dịch vụ, đó là lý do chúng tôi đầu tư nhiều xe mới trong năm nay”, ông Minh nói và cho biết thêm việc nghiên cứu, tiếp cận và kinh doanh xe điện là một chỉ tiêu công ty hướng tới trong năm 2023 bởi lý thuyết đây là phương tiện xanh và thân thiện với môi trường.
Theo ông Minh, với một doanh nghiệp vận tải taxi, cần phải đánh giá mọi tính khả thi ở mọi phương diện khi đưa một phương tiện vào kinh doanh. Chẳng hạn với Vinasun phải quan tâm đến 4 lĩnh vực: Chi phí đầu tư; chi phí vận hành; chi phí bảo dưỡng, phụ tùng và giá xe khi thanh lý và tính thanh khoản. Ngoài ra, còn phải cân nhắc đến chi phí thời gian, chi phí cơ hội đối với một chiếc xe khi vận hành, cụ thể là thời gian chờ đợi sạc điện để lưu hành và tính sẵn sàng sạc điện.
“Chúng tôi phải tính được hiệu suất thời gian, chi phí cơ hội của anh em lái xe với hoạt động này. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tính khả thi và chắc chắn sẽ tìm kiếm cơ hội để triển khai", lãnh đạo Vinasun cho biết.
Trong khi Vinasun đã thể hiện rõ ý định sẽ đầu tư vào xe taxi điện thì Mai Linh vẫn chưa có động thái gì liên quan đến vấn đề này. Rõ ràng nếu không muốn “tụt lại” quá xa so với Vinasun hay Be Group - đã ký kết hợp tác với GSM để hỗ trợ tài xế của Be chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện - thì Mai Linh cũng cần phải tăng tốc nhanh hơn trong cuộc đua cải tiến công nghệ và dịch vụ.
Xem thêm tại nhipsongkinhdoanh.vn