'Sóng' cổ phiếu nông nghiệp
Động lực lớn đến từ thị trường Trung Quốc
Trong năm 2023, ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là đã “vượt cơn gió ngược”, được mùa, được giá, bội thu ở một số lĩnh vực, đem lại kết quả cao hơn 2022.
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (3%). Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt kỷ lục 12,07 tỷ USD.
Trong đó, không thể không nhắc đến sự đóng góp vượt trội của mảng rau quả và gạo. Cụ thể, ngành rau quả đạt 5,6 tỷ USD, cấp rưỡi so với kỷ lục thiết lập 2018 là 3,81 tỷ USD; sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1 với kim ngạch 2 tỷ USD. Tính đến giữa tháng 12, ngành gạo xuất khẩu 7,9 triệu tấn gạo, trị giá hơn 4,5 tỷ USD; tăng 11% về lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Trong khi kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Mỹ giảm 18% và Nhật Bản giảm 7,4% thì Trung Quốc lại tăng 18% trong năm qua (số liệu lũy kế 11 tháng).
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng mạnh nhờ Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký trong năm 2022 giúp nhiều loại nông sản được xuất khẩu chính ngạch và thị trường này (tính đến nay đã có 14 loại nông sản).
Mặc khác, Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, giảm bớt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh giúp quá trình lưu thông hàng hóa nhanh chóng hơn. Đồng thời, lượng nhu cầu tiêu dùng khổng lồ của quốc gia tỷ dân cũng được giải phóng.
Tại Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc ngày 13/12 nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững. Trung Quốc tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường với nông sản Việt Nam như dừa tươi, trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu đông y nguồn gốc thực vật, thịt trâu, bò, lợn, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm… Ngược lại, Việt Nam sẽ tích cực nhập khẩu cá tầm Trung Quốc…
Chứng khoán MBS nhận định tiêu dùng Trung Quốc sẽ là động lực quan trọng trong năm 2024. Xu hướng tiêu dùng (chi tiêu tiêu dùng chiếm tỷ trọng trong thu nhập khả dụng) của người dân Trung Quốc trong quý III là 69,8%, không những tốt hơn cùng kỳ trong thời kỳ dịch bệnh mà còn tốt hơn trước đại dịch. Cầu tiêu dùng phục hồi sẽ hỗ trợ cho một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu như điện thoai, nông sản… Khi đó, nhóm doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc lớn như nông sản, thủy sản sẽ hưởng lợi.
Cổ phiếu nông nghiệp phục hồi mạnh
Trước triển vọng ngành sáng cùng một số yếu tố hỗ trợ khác, nhiều cổ phiếu nông nghiệp ghi nhận tăng giá mạnh trong 2 tháng qua, từ 18% đến 60%, vượt trội so với mức phục hồi 11% của VN-Index.
Cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ghi nhận tăng giá từ vùng 8.000 đồng/cp lên 13.100 đồng/cp trong vòng 2 tháng. HAGL theo đuổi mô hình kinh doanh chủ lực gồm 2 cây và 1 con, đó là chuối, sầu riêng và nuôi heo. Mảng chuối đã mang lại nguồn thu ổn định trong khi mảng sầu riêng dự kiến bắt đầu tư 2024 có thể hái quả ngọt. Thị trường chính là Trung Quốc, doanh nghiệp không chỉ bán sỉ mà còn bán lẻ trực tiếp vào hệ thống siêu thị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu HAG còn có thêm động lực đến từ việc trả nợ, cơ cấu nợ, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược, bán các khoản đầu tư giúp hoàn nhập chi phí lãi vay.
Cổ phiếu doanh nghiệp có nhiều duyên nợ với bầu Đức đã đổi chủ sang ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco là HAGL Agrico (mã: HNG) cũng tăng giá mạnh từ 3.300 đồng/cp lên 5.330 đồng/cp. HAGL Agrico đang xây dựng mô kinh kinh doanh từ trái cây tươi (chuối, dứa, xoài, bưởi, sầu riêng…) đến nhà máy nhà máy sơ chế, chế biến trái cây kết hợp chăn nuôi bò. Công ty chuyển đổi dần vườn cao su không hiệu quả sang trái cây.
Mới đây, HAGL Agrico công bố quyết định HĐQT thông qua thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất kinh doanh Nông nghiệp Nam Lào vốn lên đến 400 triệu USD (gần 10.000 tỷ đồng). Công ty cũng đang lấy ý kiến cổ đông phương án lập dự án đầu tư sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong, Lào.
Trong khi HAG, HNG là đơn vị trực tiếp sản xuất ra sản phẩm nông sản thì Tập đoàn PAN (mã: PAN) là đơn vị cung cấp giống và vật tư. Cổ phiếu PAN tăng giá 18% lên vùng 21.000 đồng/cp tính từ đầu tháng 11 trước kỳ vọng được hưởng lợi khi nông sản Việt lên ngôi.
Tập đoàn PAN sở hữu nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng và gạo (Vinaseed), nông dược (VFG), thủy sản (FMC), bánh kẹo và thực phẩm (Bibica). Khi xuất khẩu nông sản cải thiện thì nhu cầu giống và vật tư sẽ tăng cao giúp các đơn vị thành viên như Vinaseed, VFG gia tăng doanh thu.
Ngoài ra, một số cổ phiếu ngành thủy sản như ANV, VHC cũng tăng giá 18 – 23% trong vòng hơn 2 tháng qua.
Công ty cổ phần Nam Việt (mã: ANV) chuyên chế biến xuất khẩu cá tra, cá basa đông lạnh. 9 tháng 2023, trong bối cảnh khó khăn chung, doanh nghiệp báo cáo doanh thu chỉ giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, riêng mảng cá tra giảm 17%. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nam Việt với tỷ trọng lên đến 40%. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết trong năm qua đã phát triển thêm được tập khách hàng lớn tại khu vực Bắc Kinh và Quảng Châu bên cạnh khu vực truyền thống Thượng Hải. Doanh thu tại thị trường này tăng đến 129% đạt 852 tỷ đồng.
Vào cuối năm, doanh nghiệp công bố triển khai kế hoạch thưởng cổ phiếu tỷ lệ 1:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ có thêm 1 cổ phiếu mới. Nam Việt dự kiến phát hành 133,1 triệu cổ phiếu, nâng vốn lên 2.663 tỷ đồng – vượt qua vốn điều lệ của “nữ hoàng” cá tra Vĩnh Hoàn (mã: VHC).
Xem thêm tại nhadautu.vn